THCL Trước thông tin về việc tuyến cáp quang biển APG mới được đưa vào khai thác đã bị đứt, đại diện CMC Telecom, nhà mạng tham gia đầu tư dự án cáp biển APG khẳng định, tuyến cáp này đang “sống” tốt, đảm bảo kết nối dung lượng Việt Nam đi quốc tế bình thường cho các khách hàng.
Đầu giờ chiều, ngày 7/1/2017, một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) mới được đưa vào khai thác nhưng đã gặp sự cố vào ngày 7/1 ở phân đoạn gần trạm cập bờ Đà Nẵng.
Tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG
Đại diện CMC Telecom cũng cho biết, tuyến cáp APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ giữa tháng 12/2016.
“Sau thời gian căn chỉnh, tối ưu hóa, thời điểm hiện tại tuyến cáp quang biển APG đang hoạt động bình thường, không có chuyện bị đứt. Các phân đoạn cáp tại Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng và người dùng của các nhà mạng vẫn đang được tận hưởng dung lượng lớn từ tuyến cáp biển mới”, đại diện CMC Telecom khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của đại diện CMC Telecom, thông thường một tuyến cáp mới được đưa vào khai thác, sẽ mất khoảng từ 3 - 4 tuần để kích hoạt dung lượng trên tuyến.
Thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet khác cũng đã xác nhận vào 17h25 ngày 31/12/2016, tuyến cáp quang biển APG bị lỗi mất điện áp gây sụt giảm dung lượng trên các kênh truyền hướng Việt Nam - Nhật và Việt Nam - Singapore. ISP này cũng cho hay, đơn vị điều hành tuyến cáp APG đã triển khai phương án tái cấu trúc nguồn và từ 10h ngày 5/1/2017 lưu lượng trên tuyến cáp này đã được khôi phục.
APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển có lưu lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á, băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Hiện các nhà mạng đang khai thác ở mức 4 Tbps.
Tuyến cáp này có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Ngay từ 2009, Viettel và VNPT đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn khác như China Mobile, China Telecom, China Unicom, Chunghwa Telecom, Facebook, KT Corp, LG Uplus, NTT Communications, StarHub, Time dotCom... và các nhà mạng trong khu vực để cùng đầu tư tuyến cáp APG.
Việc các nhà mạng khai thác thêm tuyến APG sẽ giúp Internet đi quốc tế tại Việt Nam bớt phụ thuộc vào AAG, vốn không ổn định và thường xuyên gặp sự cố trong hai năm qua.
Linh Vững