Các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh sớm và có xu hướng chọn các phương thức tuyển sinh mới

Các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh sớm và có xu hướng chọn các phương thức tuyển sinh mới

Năm 2020, ngoài các phương thức xét tuyển sinh truyền thống như kết hợp điểm thi và xét tuyển, tuyển thẳng, kết hợp thi đánh giá năng lực, điểm chung dễ nhìn thấy trong đề án tuyển sinh một số trường ĐH là tăng cường thêm phương thức tuyển sinh mới bên cạnh phương thức truyền thống.

Cụ thể, rường ĐH Bách khoa TP.HCM (thuộc ĐHQG TP.HCM) đã công bố tới 5 phương án tuyển sinh cho năm học 2020-2021. Đó là phương án tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT quốc gia, phương án sử dụng điểm thi năng lực của trường ĐHQG TP.HCM, phương án tuyển thẳng thí sinh theo quy chế Trường ĐHQG TP.HCM và phương án tuyển thẳng thí sinh theo quy chế Bộ GD&ĐT.Bên cạnh đó, trường này cũng dành 1% (khoảng 50 thí sinh cho phương án tuyển sinh khác).

Ngoài ra, các trường ĐH khác đã công bố phương án tuyển sinh thì hầu hết đều dành rất nhiều chỉ tiêu (gần 50%) cho các phương án không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Đó là phương án sử dụng điểm thi trung bình các môn học (tuỳ chọn) của năm học lớp 12 hay điểm thi học bạ của một số môn (tuỳ chọn) hay điểm kết hợp giữa học bạ, điểm thi môn học để làm căn cứ tuyển sinh.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2020 còn có cả phương án tuyển sinh online qua trang Website của trường. Có thể thấy, so với khoảng vài năm trước, hiện nay các trường đều có rất nhiều cách tuyển sinh, thay vì chỉ dựa vào kết quả điểm thi THPT quốc gia như trước.

Việc các trường ĐH, CĐ đưa ra quá nhiều phương án tuyển sinh tác động không nhỏ tới hàng triệu thí sinh. Đặc biệt, các phương án tuyển sinh “lạ”, đặc thù riêng và không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Bởi khi đó, các  thí sinh và nhà trường sẽ buộc phải điều chỉnh lịch học, ôn thi với mục đích đáp ứng tốt nhất các phương án tuyển sinh của các trường.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc sử dụng quá nhiều phương án tuyển sinh, nhất là không thông qua các cuộc thi độc lập chính thức (kết quả học bạ, điểm thi học kỳ…) dễ xảy ra tiêu cực. Nhiều thí sinh có thể “làm đẹp” bảng điểm, học bạ của mình ở các năm học THPT mà không cần phải đạt điểm cao trong các kỳ thi để lọt vào cánh cổng các trường ĐH.

PV