Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng đô tiếp tục tăng tuần thứ tư liên tiếp và chốt phiên tuần ở mức cao hơn. Ban đầu, Chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 102, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Chỉ số đã chạm mức thấp nhất là 101,78, và lập tức tăng trở lại từ mốc đó, tiến sát đến mốc 103.

Dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đưa ra một bức tranh hỗn hợp về nền kinh tế nước này. CPI cơ bản tiếp tục giảm, hiện ở mức 4,7% trong tháng 7, giảm từ mức 4,86% trong tháng 6.

Quan điểm ngắn hạn đối với đồng bạc xanh là tích cực, khi Chỉ số DXY chốt phiên tuần ở mốc 102,84. Tuy nhiên, đà tăng trong thời gian tới sẽ chỉ dừng ở ngắn hạn và trong phạm vi nhất định. Vùng kháng cự đối với chỉ số này là 103,5 - 104. Khả năng cao là Chỉ số DXY sẽ đảo chiều giảm sau khi tăng đến khoảng 103,5-104. Động thái đó có thể kéo chỉ số này tiếp tục giảm xuống 102-101,5 trong thời gian tới, thậm chí là sự sụt giảm kéo dài tới 100-99.

Trong trường hợp chỉ số phá vỡ mốc trên 104, xu hướng tăng có thể được mở rộng lên tới 105 và thậm chí 106. Nhưng viễn cảnh này có vẻ ít khả thi hơn.

Ở một diễn biến khác, đồng Euro đã duy trì khá tốt mức kháng cự tại 1,107 đã được đề cập vào tuần trước. Đồng Euro đạt mức cao nhất là 1,1065 và đã giảm xuống từ đó. Vùng hỗ trợ rất quan trọng đối với đồng tiền chung châu Âu nằm trong khoảng 1,0920-1,0900. Việc phá vỡ mốc dưới 1,09 có thể kéo đồng Euro giảm xuống 1,08 và 1,077. Do vậy, đồng Euro phải duy trì trên mốc 1,09 để tránh sự sụt giảm này, và có thể tăng trở lại mức 1,105.

Tại thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 11/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 11 đồng, hiện ở mức: 23.837 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 24.978 đồng.

Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức: 24.881 đồng – 27.500 đồng.

Việt Anh (T/h)