Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD giảm 0,52%, xuống mốc 102,67 vì một loạt dữ liệu kinh tế tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế của Mỹ cùng triển vọng về các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ, cùng với báo cáo thu nhập ảm đạm từ các công ty công nghệ lớn và mối lo ngại gia tăng về nền kinh tế Trung Quốc, đã gây ra đợt bán tháo toàn cầu đối với cổ phiếu, dầu mỏ và các loại tiền tệ có lợi suất cao trong tuần qua, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nhu cầu trú ẩn an toàn từ tiền mặt.
Sang ngày hôm sau, đồng bạc xanh nhọc nhằn tăng 0,24%, đạt mốc 102,93. Việc gỡ bỏ giao dịch chênh lệch lãi suất kết hợp với dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến vào cuối tuần trước, và mức thu nhập thấp hơn kỳ vọng từ các công ty công nghệ lớn đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu. Một động thái hỗ trợ khác trên thị trường tiền tệ là các nỗ lực của các nhà giao dịch nhằm định giá chính sách của Fed trong các cuộc họp sắp tới.
Tiếp đó, chỉ số DXY tăng 0,22%, đạt mốc 103,19 khi các nhà giao dịch đã tăng cường đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu tuần, sau khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng đột biến vào cuối tuần trước, với khả năng Fed sẽ cắt giảm khoảng 125 điểm cơ bản cho các đợt nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Tuy nhiên, những khoản cược đó đã dần giảm xuống và các nhà giao dịch ngày 7-8 đã kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm nay và 62% khả năng sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
Đà tăng của đồng USD còn kéo dài đến ngày 9/8, khi tăng 0,22%, đạt mốc 103,19 sau khi dữ liệu thị trường lao động mới của Mỹ cho thấy trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, làm giảm bớt nỗi lo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Bộ Lao động Mỹ trước đó công bố thông tin mới cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã giảm xuống mức điều chỉnh theo mùa là 233.000 trong tuần đầu tháng 8, cho thấy nỗi lo ngại trên thị trường lao động.
Cuối cùng, đồng bạc xanh chốt tuần giao dịch với việc giảm không đáng kể 0,05%, xuống mốc 103,15. Thị trường đã trải qua một tuần hỗn loạn, phần lớn là do số liệu bảng lương ảm đạm của Mỹ được công bố tuần trước, trong khi nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như yên và franc tăng, đã khiến các loại tiền tệ này tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm vào ngày 5/8. Dẫu vậy, đồng USD đã giảm 0,39%, xuống mức 146,675 yên, nhưng vẫn đang trên đà tăng tuần đầu tiên trong sáu tuần.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 18 đồng, hiện ở mức 24.260 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 25.150 đồng – 27.797 đồng.
Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 156 đồng – 173 đồng.
Việt Anh (t/h)