Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được bố trí, phân bổ trên 5.100 tỷ đồng để thực hiện các danh mục, công trình, dự án đầu tư công, trong đó trên 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, trên 900 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. 
 
Để bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch vốn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công điện số 444 về việc triển khai kế hoạch, trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố tập trung việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác tiếp nhận xử lý hồ sơ, thẩm định dự án đầu tư, sớm lựa chọn nhà thầu. 
 
Cùng với đó tăng cường giám sát tiến độ đầu tư các dự án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện tuân thủ theo đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ...
 
Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 05/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng giải ngân được trên 2.500,4 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch vốn được giao. Kết quả này cho thấy, Lâm Đồng đã rất quyết tâm thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. 
Lâm Đồng dẫn đầu cả nước tỷ lệ triển khai vốn đầu tư công
Lâm Đồng dẫn đầu cả nước tỷ lệ triển khai vốn đầu tư công. Ảnh Báo Lâm Đồng.
UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
 
Trường hợp chủ đầu tư, ban quản lý dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, các sở, ban, ngành, địa phương phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật hoặc cố tình gây cản trở, khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022...
 
Đối với các dự án chuyển tiếp từ 2021 sang, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thi công tại hiện trường nhằm quản lý chặt chẽ việc thi công theo quy trình, đảm bảo chất lượng công trình; đồng thời, yêu cầu nhà thầu cam kết thực hiện tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch.
 
Trường hợp nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ theo như hợp đồng ký kết, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án, các sở, ban, ngành, địa phương phải chỉ đạo chủ đầu tư cương quyết xử phạt vi phạm hợp đồng theo quy định…
 
Để giải ngân hết nguồn vốn được giao khi hết năm ngân sách, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt trong công tác giải ngân.
 
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư công kế hoạch năm 2022 đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được bố trí. 
 
Đặc biệt, trong quý II/2022 phải giải ngân hết số vốn kéo dài của năm 2021 sang năm 2022 và hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 06/2022.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đề xuất điều chuyển vốn đầu tư của các công trình, dự án chậm tiến độ thực hiện, giải ngân để bố trí cho các công trình, dự án khác, địa bàn khác, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
 
Trước ngày 30/09/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lập danh mục các dự án chưa khởi công, chưa lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước các cấp, tiến độ thi công chậm (khối lượng thực hiện không đạt trên 50% so với số vốn đã bố trí cho dự án), báo cáo UBND tỉnh không bố trí kế hoạch vốn năm sau cho dự án; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân.
 
Phong Vân