Theo đó, năm 2021 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; có 20/25 chỉ tiêu chủ yếu được Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo. Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 4399/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, vừa bảo đảm theo quy định của Trung ương, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, nên tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát, không để bùng phát, lây lan ra diện rộng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh ước đạt từ 8,6% - 9%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước.
Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục có bước phát triển, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản thích ứng an toàn, linh hoạt với diễn biến dịch Covid-19; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 16,93%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%, doanh thu vận tải tăng 14,6%.
Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao và vượt so với dự toán. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 32.420 tỷ đồng, bằng 122% dự toán năm, tăng 3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 33,5% kế hoạch và tăng 42,7%; thành lập mới doanh nghiệp vượt 12% kế hoạch, đứng thứ 5 cả nước. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút được 87 dự án đầu tư trực tiếp (8 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 23.878 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.
Thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 nghe báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác, các đại biểu thống nhất cao kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong năm 2021.
Đồng thời, phân tích những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến thu ngân sách Nhà nước; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng sản phẩm OCOP; vấn đề lập quy hoạch vùng huyện; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Trong năm 2021 tuy gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả khá toàn diện, tích cực trên các lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phân tích và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là những hạn chế liên quan đến công tác phối hợp giữa một số huyện, ngành có lúc, có nơi chưa tốt, chưa chặt chẽ; vấn đề cải cách hành chính, công tác xây dựng, quản lý đất đai.
Về kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất với chủ trương tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tối đa tác động từ dịch Covid-19.
Ông Đỗ Minh Tuấn thống nhất phương án chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 11,5% trở lên, và nhấn mạnh: Trong năm 2022, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải được triển khai song hành với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, địa phương phải lựa chọn, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phát để triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn bày tỏ mong muốn các Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy nền tảng đã được tạo dựng từ những kết quả nổi bật trong năm 2021 để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022.
Ngày mai (27/11), phiên họp tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung quan trọng khác.
Hoài Thu