Gia tăng ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh (Ảnh: DĐDN)
Gia tăng ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh (Ảnh: DĐDN).

 Theo GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quy hoạch và quyết định thành lập đã đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Tiêu biểu cho mô hình này là Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, với diện tích 88 ha, được xây dựng từ năm 2004 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cũng là mô hình đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Từ việc chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, riêng diện tích lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác là trên 600 ha.

Các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mô hình phát triển tương đối mạnh ở các địa phương trong cả nước. Điển hình cho loại hình này là cơ sở ứng dụng sản xuất giống và cây trồng chất lượng cao 16 ha tại Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm phát triển, lâm nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng, Hà Nam…có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel cho năng suất gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống.

Bên cạnh đó, các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao cũng phát triển. Điển hình là vùng sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội) ; mô hình 100 trang trại trồng nấm ỏ huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), sản lượng đạt 500 tạ/năm; mô hình trồng hoa áp dụng các công nghệ mới như tạo giống tốt, vườn ươm, nhà lưới, kho mát bảo quản đóng gói tại huyện Mê Linh, có 1.000 ha chuyên sản xuất hoa cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mô hình sản xuất rau an toàn 600 ha tại Đà Lạt được sản xuất cách ly trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long…

“Đã có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính và thị trường lớn mạnh đang đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Việt Nam như: Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P ở Lâm Đồng, Công ty TH True Milk ở Nghệ An, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam, VinGroup, Hòa Phát…Ngoài ra, còn có rất nhiều công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tích cực áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng chưa đủ tiêu chí để được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, GS.TS. Cường cho biết.

Cũng theo GS.TS. Cường, công nghệ cao được tích hợp từ thành tựu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Công nghệ cao có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Công nghệ cao trong nông nghiệp có: Công nghệ số, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ tự động hóa, Công nghệ thông tin số và Công nghệ in 3D.

Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có thể được thực hiện trên nhiều khía cạnh: Lập kế hoạch cho sản xuất, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ. Các phần mềm quản lý ứng dụng trong nông nghiệp cho phép các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có thể kiểm soát gần như toàn bộ chi phí của một mùa vụ, hay cả năm, theo từng ngành hàng. Đồng thời tính toán doanh thu tương đối chính xác, tạo bảng cân đối thu, chi và lợi nhuận cho doanh nghiệp; thu thập, phân tích các thông số của đất, nước, không khí…Các thông tin trên là cơ sở để điều khiển các thiết bị tích hợp như hệ thống tưới, làm mát, đền chiếu sáng, mái che…để kiểm soát điều kiện môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đúng chuẩn yêu cầu. Việc kết hợp dữ liệu lớn với internet vạn vật để gắn kết nhanh và chặt chẽ, rút ngắn chuỗi tiêu thụ nông sản, cải thiện chất lượng công tác dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo thị trường thế giới, trong nước và các yếu tố khác….đến sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đưa ra những quyết định chính xác trong sản xuất, đảm bảo hàng hóa nông sản được lưu thông nhanh nhất.

Công nghệ vật liệu mới có khả năng ứng dụng rất cao trong nông nghiệp công nghệ cao, trong bảo quản nông sản, thực phẩm, giúp làm sạch vi khuẩn, nấm bám để nâng cao chất lượng và kéo dài hạn sử dụng. Đặc biệt, vật liệu nano được ứng dụng để sản xuất phân bón lá, công nghệ nano ứng dụng trong xử lý hạt giống để cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng, chống chịu được các tác nhân gây bệnh, gây hại và thích ứng với những biến đổi của môi trường. Ứng dụng công nghệ nano trong việc giữ nguyên phẩm chất tươi ngon, đảm bảo chất lượng và năng suất thu hoạch sản phẩm.

Ứng dụng robot trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa các yếu tố đầu vào, đầu ra và dự báo tăng trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Trên thế giới đã ứng dụng robot trong thu hoạch, bảo quản nông sản, và trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Một khía cạnh được GS.TS. Cường đề cập là nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, hiện còn khá hạn chế trong khi việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn. Đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với thực tiễn, nhiệm vụ ứng dụng, đáp ứng nhu cầu; bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng. “Để đánh giá đúng thực trạng đào tạo nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, cần đánh giá đúng thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gắn với nhu cầu nhân lực công nghệ cao và thực trạng đáp ứng nhu cầu này hiện nay của các cơ sở đào tạo ở nước ta”, GS. TS. Cường nhấn mạnh.

Thái Bình