Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Yêu cầu của hội nhập

Sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu được ghi nhận. Đời sống nông dân được cải thiện, sản xuất nông nghiệp từng bước thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại. Có thể khẳng định, nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu…việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đã có trên 80 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, dịch tả lợn châu Phi…., song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tăng trưởng khá.

Một số dự án điển hình có dư nợ cho vay lớn như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho vay dự án chăn nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao; dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; các dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của Nhóm các công ty nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay dự án trồng cây ăn quả của Công ty CP Quốc tế nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho vay chăn nuôi thủy sản của Công ty CP Thực phẩm Trung Sơn; Ngân hàng Bắc Á cho vay dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung tại tỉnh Nghệ An của Công ty CP thực phẩm sữa TH…

Theo bà Giang, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Đây là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay, số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình sản xuất bài bản, hiệu quả; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, trong khi đó, công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai.

Những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: Hàng hóa thị trường nội địa chị sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu, các nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu; những rủi ro về thị trường, giá cả thể giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay.

Giải pháp trong thời gian tới

Với nhu cầu ngày càng cao của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả. Đây là cơ sở để ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, 116 của Chính phủ, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ. Đa dạng các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng;

Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay; Tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Về phía doanh nghiệp, người dân, cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường khu vực và quốc tế, nhu cầu mới của người tiêu dùng trong nước trên cơ sở tận dụng các lợi thế sẵn có của nông sản Việt Nam.

 Trần Nguyên