Ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý rơm rạ thành phân vi sinh - Hình 1

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết

Chương trình giới thiệu và chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ bằng phương pháp ủ với chế phẩm sinh học, sử dụng các chế phẩm này để sản xuất phân hữu cơ qua phương pháp ủ yếm khí, bán yếm khí và háo khí sẽ tạo ra phân hữu cơ vi sinh, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo sản phẩm phân hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn cho đất, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.

Ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý rơm rạ thành phân vi sinh - Hình 2

Các đại biểu và bà con nhân dân tham gia xử lý rơm rạ dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, tổng diện tích trồng lúa của Thành phố hơn 200.000 ha phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ. Khi đốt bỏ, lượng rơm, rạ đó tạo ra khoảng 4,7 triệu tấn CO2, 0,004 triệu tấn CH4, 0,11 triệu tấn CO, gây thiệt hại về môi trường tương đương với 200,3 triệu USD/năm. Người hít phải khói do đốt rơm rạ nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi;... Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Thậm chí, khói bụi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện nay, để xử lý rơm, rạ có nhiều giải pháp KH&CN khác nhau, chúng ta có thể chọn giải pháp phù hợp căn cứ theo điều kiện, tập quán sản xuất của mỗi địa phương. Nhằm góp phần giải quyết hiện trạng nêu trên, Bộ KH&CN phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong địa bàn tổ chức Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý rơm rạ thành phân vi sinh” hướng đến mục tiêu: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón, góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch, gia tăng hiệu quả kinh tế bằng phân bón sinh học từ rơm, rạ.

Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai Chương trình, đoàn viên thanh niên từ nhiều Bộ, ngành, địa phương sẽ giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN trong đời sống sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sống; và quan trọng chuyển giao kiến thức, quy trình công nghệ đến trực tiếp bà con nông dân để ứng dụng và dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

“Ban cán sự Bộ KH&CN, Đảng ủy Bộ rất quan tâm chương trình này và đã hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn cũng như cung cấp chế phẩm sinh học để triển khai thí điểm xử lý rơm rạ ở 4 xã (xã Đức Hòa, Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ), và mong rằng, mô hình này sẽ tiếp tục được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo nhân rộng để đóng góp thiết thực trong việc cải thiện chất lượng đất trồng nông nghiệp, chất lượng của nông sản và năng suất lao động của bà con nhân dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Chương trình, Ban Tổ chức đã ra mắt Đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, thu gom và xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh. Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN trong đời sống sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường.

Thanh Bình