Bám sát định hướng của Chính phủ, với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Là NHTMNN chủ lực và chủ đạo của Ngành, dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank có sự tăng trưởng ổn định ở các lĩnh vực. Trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2023, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank đã tăng 5,83 lần, từ con số gần 7.900 tỷ VND năm 2018 lên đến trên 46.100 tỷ VND tại thời điểm 31/12/2023, chiếm ~ 4% tổng dư nợ của cả hệ thống Vietcombank.
Từ chủ trương, định hướng của Chính phủ
Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo thống kê, nước ta là một trong năm quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biên đổi khi hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững. Bám sát định hướng của Chính phủ, trong vài năm trở lại đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực nghiên cứu, cấp tín dụng cho lĩnh vực tín dụng xanh.
Mới đây chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Đào Minh Tú nhận định tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân, vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Đến vai trò của ngân hàng đầu tầu
Là ngân hàng chủ đạo và chủ lực của Ngành, Vietcombank luôn ưu tiên cho định hướng phát triển bền vững, xây dựng một thương hiệu Ngân hàng xanh vì cộng đồng. Thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của Chính phủ và NHNN Việt Nam, Vietcombank đã và sẽ tiếp tục ưu tiên gia tăng quy mô và tỷ trọng tín dụng cho các ngành sản xuất và tiêu dùng ít phát thải, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, các dự án chuyển đổi năng lượng xanh… Dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank có sự tăng trưởng ổn định ở các lĩnh vực. Trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2023, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank đã tăng 5,83 lần, từ con số gần 7.900 tỷ VND năm 2018 lên đến trên 46.100 tỷ VND tại thời điểm 31/12/2023, chiếm 3,6% tổng dư nợ. Và đến hết Q1/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank tiếp tục tăng lên và đạt 47.700 tỷ VND, đạt 3,7% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Tính đến nay, Vietcombank đã tham gia tài trợ hơn 30 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…) với tổng công suất trên 2.500MW. Tổng số dư cấp tín dụng tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt hơn 38.800 tỷ đồng, chiếm hơn 84% tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank. VCBS (Công ty con 100% vốn của Vietcombank) cũng đã tư vấn phát hành thành công hơn 1.700 tỷ đồng cho đợt phát hành trái phiếu xanh của EVNFinance - Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đầu tiên tại Việt Nam được xác định là trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế.
Thúc đẩy tín dụng xanh, ngày 18/03/2024, Vietcombank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng khung thu xếp cấp tín dụng cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Đây là chuỗi dự án nội địa, là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn tại Việt Nam với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm, cung cấp cho 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW. Chuỗi dự án Lô B không chỉ đem lại nguồn thu rất lớn cho nhà nước (dự kiến hơn 30 tỷ USD), mà còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, tạo hàng nghìn việc làm, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Bên cạnh đó, từ cam kết của Chính phủ tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch Điện VIII được xây dựng, hướng tới một hệ thống năng lượng xanh hơn, sạch hơn, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Cùng với việc ưu tiên cho lĩnh vực tín dụng xanh, để thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, một yếu tố sống còn là việc giúp họ tiếp cận với nguồn vốn với chi phí hợp lý. Bởi thế, nhiều năm qua, Vietcombank luôn là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai các chính sách, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, qua đó chung tay góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và NHNN, với mục tiêu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, đầu quý 2/2024, Vietcombank đã triển khai “Chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024”.
Theo đó, giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho các khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 03 tháng từ ngày 01/04/2024 đến hết ngày 30/06/2024. Đồng thời, cũng trong khoảng thời gian này, Vietcombank triển khai đồng loạt các Gói cho vay mới với lãi suất giảm tới 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện hành nhằm hướng đến mục tiêu ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi với lãi suất cho vay thấp. Chương trình hướng đến các khách hàng thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các lĩnh vực xuất khẩu, năng lượng, khoa học công nghệ và phục vụ nhu cầu đời sống của người dân…
Có thể nói, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng mang đến nhiều lợi ích lớn cho ngân hàng trên các khía cạnh tài chính, môi trường và xã hội. Bởi năng lượng tái tạo là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn. Đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có thể mang lại lợi doanh thu ổn định trong dài hạn cho ngân hàng. Chưa kể, việc này cũng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tạo ra cơ hội sinh lợi từ các nguồn thu nhập mới.
Các doanh nghiệp và dự án năng lượng tái tạo thường là các khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính của ngân hàng như vay vốn, quản lý rủi ro và tài chính doanh nghiệp, đây là hình thức gia tăng khách hàng mới bền vững và hiệu quả. Với phương châm, định hướng kinh doanh rõ ràng cùng những hành động thiết thực, Vietcombank tin rằng luồng vốn tín dụng xanh sẽ ngày một khơi thông, thấm và ngấm đến từng doanh nghiệp và khách hàng, là động lực để hiện thực hiện hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng các chủ trương, mục tiêu chung của Quốc hội, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã đề ra.
Thành Dương - Thành Hưng