Chuyến thăm cũng là minh chứng cho sự coi trọng nhau của hai nước về mặt song phương cũng như trong khu vực và trên thế giới. Điều này, được đánh giá là lịch sử nếu xem xét toàn bộ quá trình phát triển quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.
Mối quan hệ này đã từng được ông Joe Biden (khi còn là Phó tổng thống), trong buổi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015 khái quát bằng câu Kiều “Trời còn có để hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Chuyến thăm đánh dấu bước phát triển chưa từng có khi hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Việc nâng cấp lên mức cao nhất này cho thấy cả hai quốc gia đã cam kết ở mức độ sâu rộng và mạnh mẽ nhất trong hợp tác ở mọi lĩnh vực.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước phát triển đầy ấn tượng kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Trong một thập kỷ là Đối tác toàn diện (2013-2023), quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tích cực trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Việt Nam ngày càng nổi lên như một điểm đến an toàn, tin cậy và thu hút với nhiều nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế cũng ngày càng được nâng cao.
Mỹ đã tìm thấy ở Việt Nam như một đối tác rất tiềm năng. Điều này được minh chứng bằng nhiều chuyến viếng thăm Hà Nội của các giới chức Hoa Kỳ như: Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink, Thống đốc bang Oregon Kate Brown, Đại diện Thương mại Katherine Tai, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen…
Năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris có chuyến thăm Việt Nam.
Lần đầu tiên, cả Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam khi tại nhiệm.
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022.
Thời gian gần đây thương mại song phương tăng trưởng mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc hơn 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 60,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 52,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,1 tỷ USD.
Tuy đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng như vậy, nhưng tiềm năng phát triển giữa hai bên vẫn còn chưa được phát huy tối đa. Chính vì vậy, việc hai bên Việt Nam – Hoa Kỳ nâng quan hệ lên tầm cao mới, nhiều doanh nghiệp đang mong chờ sự bùng nổ trong hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư trong thời gian tới.
Sau khi nâng cấp quan hệ, hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá.
Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.
Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đang chờ đợi việc phát triển hoạt động đầu tư, thương mại ở Việt Nam.
Nếu tận dụng được các cơ hội này, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có điều kiện cất cánh.
Thiên Trường