HCMC DemandSupply là dự án đầu tiên thuộc Chương trình Data For Good tại Công ty tư vấn CEL Consulting với mục tiêu “vận dụng sức mạnh của dữ liệu cho những điều tử tế". Dự án hướng tới giúp mọi người tìm ra nguồn cung gần nhất cho thực phẩm hay các mặt hàng thiết yếu và giúp những cá nhân ra quyết định biết được những nơi có nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu và nơi đang có nguy cơ thiếu hụt cao hơn do số lượng hạn chế của các nguồn cung cấp. CEL chọn bắt đầu với thành phố Hồ Chí Minh vì đây là địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức cung cầu nhất trong đợt dịch này.
Theo số liệu thống kê, hệ thống phân phối thực phẩm của thành phố Hồ Chí Minh có 207 siêu thị, 3 chợ đầu mối, 130 chợ truyền thống có mái lồng, 37 trung tâm thương mại và hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi mini và hơn 28.700 cửa hàng tạp hóa. Trước đây, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là hàng từ ba chợ đầu mối lớn tiếp nhận từ các địa phương lân cận, sau đó chuyển sang các chợ truyền thống.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nông sản cho người dân. Trong thời gian giãn cách của đợt dịch này, chỉ có 12% của tổng số điểm cung cấp thực phẩm thiết yếu mở cửa hoạt động.
Trong hoàn cảnh đó, khả năng tiếp cận với các địa điểm cung cấp thực phẩm thiết yếu của người dân gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tại một số địa phương như Cần Giờ, quận 11, Nhà Bè, Củ Chi… có ít hơn 100 điểm bán sản phẩm thiết yếu. Trung bình người dân sống tại Củ Chi có lựa chọn điểm mua hàng thiết yếu nội quận ít hơn 9 lần so với người dân sống tại quận 1.
Nhận thấy sự mất cân đối trên, CEL Consulting đã gấp rút xây dựng công cụ trực tuyến HCMC DemandSupply trong 14 ngày nhằm cung cấp đến người dân cũng như các chuyên gia thông tin hữu ích có tính phân tích khoa học từ dữ liệu, giúp ứng phó với thách thức về nhu cầu và cung ứng cho những mặt hàng thiết yếu tại thành phố. Dữ liệu sử dụng được tổng hợp từ nhiều nguồn như Bộ Y tế, UBND thành phố hồ Chí Minh, Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tra soát dữ liệu thực tế từ CEL. Phiên bản dành cho điện thoại đã được hoàn thành và có thể sử dụng từ tháng 8/2021.
Phiên bản đầu tiên tập trung vào dữ liệu “thực phẩm thiết yếu", tập hợp hơn 3759 điểm cung cấp mặt hàng trên toàn thành phố Hồ Chí Minh bao gồm chợ lồng được phép mở cửa, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá - rau củ - thực phẩm, các chuỗi bán lẻ, điểm bán di động, điểm bán từ thiện… Trung bình mỗi ngày có khoảng 50-100 điểm thông tin được cập nhật trên hệ thống.
Đồng thời, đội ngũ phát triển công cụ liên tục mở rộng dữ liệu cho lĩnh vực khác và bổ sung thêm các tính năng hữu ích hơn theo ý kiến người dùng như chia sẻ danh bạ các dự án từ thiện, phi lợi nhuận để các doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp chủ động liên hệ.
Chia sẻ về dự án này, ông Julien Brun, Tổng Giám đốc CEL nói: “Bất kể mức độ lo lắng hay lạc quan của chúng ta như thế nào, điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng những đối tượng yếu thế trong chúng ta sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tinh thần đoàn kết là những gì chúng ta còn lại để cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn khi đại dịch đi qua.”
Bởi vậy, dự án mong muốn góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương, ban ngành có liên quan có số liệu thực tế nhằm giúp ổn định, kiểm soát giá thị trường tại những phường xã có phần “cung" rất ít so với “cầu", có số lượng điểm bán thiết yếu ít trong giai đoạn này. Đồng thời, các tổ chức thiện nguyện, phi lợi nhuận có thể tái phân bổ lại mạng lưới các khu vực đang chịu nhiều áp lực từ việc mất cân đối trong phân bổ số lượng và địa điểm cung ứng hàng thiết yếu.
Với doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thiết yếu, những thông tin công cụ cung cấp giúp tái thiết kế mạng lưới phân phối, đề ra sáng kiến và giải pháp thực tiễn cân đối cung và cầu giữa các khu vực, khai thác thị trường phù hợp với nhu cầu của người dân.
Phạm Sơn
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)