Theo số liệu của ngành Y tế Vĩnh Phúc, đến nay, tỉnh này đã tiếp nhận hơn 85.000 liều vắc xin phòng Covid-19 theo phân bổ của Bộ Y tế. Để sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng, tỉnh đã triển khai tiêm trên diện rộng cho hơn 74.000 đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ tại tất cả các huyện, thành phố.
Tuy nhiên, các đơn vị vẫn sử dụng phần mềm triển khai tiêm vắc xin nội bộ hoặc quản lý thủ công, dữ liệu tiêm chủng chỉ được lưu trong kho quản lý dữ liệu nội bộ của các đơn vị. Bên cạnh đó, theo quy trình, khi tiêm xong, các cơ sở y tế sẽ phải cấp giấy chứng nhận cho đối tượng được tiêm chủng, điều này cũng gây mất rất nhiều thời gian do số lượng người tiêm lớn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt kết quả cao, ngành Y tế đã phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin lên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa chỉ http://tiemchungcovid19.gov.vn (Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19); cử cán bộ tại các điểm tiêm vắc xin tham gia các lớp tập huấn, đào tạo cập nhật dữ liệu thông tin tiêm vắc xin lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và liên tục trong suốt quá trình triển khai tiêm.
Đồng thời, chủ động cập nhật bổ sung dữ liệu tiêm chủng đã tiêm các đợt trước đó còn thiếu lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đảm bảo tính chính xác và đầy đủ thông tin.
Đồng chí Vũ Thanh Liêm, Phụ trách phần mềm y tế, Viettel Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện tại, Viettel Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác tập huấn triển khai nền tảng ứng dụng công nghệ số trong quản lý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ phụ trách tiêm chủng của Trung tâm Y tế tuyến huyện và bệnh viện tuyến tỉnh.
Qua các buổi tập huấn cho thấy, hầu hết các cán bộ y tế đều tiếp cận rất nhanh bởi phần mềm tiêm chủng Covid-19 được xây dựng dựa trên nền tảng phần mềm tiêm chủng quốc gia, nên đa số mọi người đều nắm được các thao tác.
Tuy nhiên, để cán bộ y tế sử dụng thành thạo phần mềm, Viettel Vĩnh Phúc sẽ cử cán bộ trực tại các điểm tiêm chủng để kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc trong quá trình nhập liệu thông tin tiêm chủng trên hệ thống phần mềm. Sau khi việc quản lý thông tin tiêm chủng đã được thực hiện thông suốt, chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao lại toàn bộ hệ thống cho các đơn vị”.
Hiện nay, các điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh đã nhập liệu được hơn 73.600 hồ sơ lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Sau khi dữ liệu tiêm chủng được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quản lý tập trung, toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng đến tra cứu “Chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19” đều có thể thao tác dễ dàng qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Là một trong những đơn vị chủ lực trong chiến dịch tiêm chủng diện rộng lần này, thạc sĩ, bác sĩ Cao Minh Trường, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Phụ trách Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Qua thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chiến dịch tiêm chủng cho thấy, các điểm tiêm có thể vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng, nhưng vẫn đảm bảo minh bạch thông tin.
Đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu, góp phần thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả. Còn đối với các cấp quản lý, phần mềm sẽ hỗ trợ theo dõi số lượng người đã được tiêm thực tế tại các khu vực tiêm, đối tượng tiêm… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất".
Thời gian tới, bên cạnh việc cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu tiêm chủng lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh, góp phần hỗ trợ các điểm tiêm chủng đảm bảo quy định 5K, tuân thủ quy trình tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành.
Đồng thời, giúp người dân tham gia tiêm chủng phòng Covid-19 một cách chủ động, thuận tiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục, giấy tờ cho các điểm tiêm chủng và đối tượng tiêm so với cách làm truyền thống.
Minh Nguyệt