Phố cổ Hội An vào xuân
Phố cổ Hội An vào xuân.

Nhớ lại thời báo giấy (in) đang thịnh, cứ qua mùa Giáng sinh là bổn báo gọi đặt bài cho số Tết Âm lịch. Khi bài báo chuẩn bị dàn trang để chuyển đi nhà in, thư ký tòa soạn đều gọi lại cho tác giả và nhắc, anh khẳng định không đăng báo thứ hai nhé! Vì báo còn tham dự Hội báo xuân…Báo xuân thời bấy giờ in rất đẹp, bốn màu trên giấy tốt và được bạn đọc cả nước trông chờ đón nhận, tác giả cứ mong đợi ngày được “trình làng” nằm trên các sạp báo. Nhìn bài viết được họa sỹ trình bày bắt mắt, trong lòng thấy hân hoan, sung sướng như đứa con đẻ mình chào đời vậy. Một điều vui nữa, là kèm theo tiền nhuận bút khá cao, để tác giả có thể phụ giúp gia đình lo việc mua sắm Tết…

Nhạc sỹ La Hối
Nhạc sỹ La Hối.

Vào Hội An tìm tác giả

Với con ngựa sắt cà tàng, mò đến Hội An trời đã trưa với cái nắng đỗ lửa của miền Trung, người đầy mồ hôi và mệt nhừ, nhưng vẫn phấn khởi tìm những người bạn thân gốc Hội An để hỏi. Cuối cùng anh đã dẫn tôi đến nhà nhạc sỹ, mà người yêu nhạc đã lãng quên tên tác giả chỉ biết ca khúc Xuân và tuổi Trẻ…

Trên bàn thờ từ đường của dòng họ La ở Hội An, tôi đã nhận ra ngay tấm ảnh trắng đen của nhạc sỹ La Hối khá dung dị. Nhìn ông rất thư sinh, thực ra, người nhạc sỹ trẻ tài hoa cũng mất khi còn quá trẻ, chỉ mới 25 tuổi. Có một chi tiết cảm động là người cháu gái của La Hối vừa thắp nhang vừa khóc. Chị khấn nhỏ nhưng tác giả vẫn nghe được: "Hôm nay có một số người yêu nhạc của ông muốn đến viếng nên con xin đưa họ lên đây. Con cũng chưa bao giờ được vinh hạnh thấy ông. Bài hát của ông thì bao nhiêu người yêu mến. Ông về chứng kiến và chúc may mắn cho họ".

Tác giả tại tỉnh Quảng Nam
Tác giả tại tỉnh Quảng Nam.

Ca khúc duy nhất vượt thời gian

Nhạc sỹ La Hối chỉ sáng nhạc duy nhất một ca khúc. Đó là "Xuân và tuổi trẻ", phần lời do Thế Lữ viết. Cho đến hiện tại, bài hát đã trở thành ca khúc nổi tiếng và đi vào lòng người yêu nền tân nhạc Việt Nam. Đặt biệt, khi mùa xuân về.

Bài hát được sáng tác vào năm 1944, ban đầu là một bản nhạc hòa tấu của nhạc sỹ La Hối viết cho nhóm nhạc công của Hội Hiếu nhạc Faifo, với tên tiếng Pháp đề là "Printemps et la Jeunesse". Phần lời ban đầu được một người tên Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa. Năm 1946, đoàn kịch nói của Thế Lữ vào miền Nam, ông rất thích và đã đặt lời Việt cho bài hát này. Lời Việt của Thế Lữ sau này trở thành lời ca khúc duy nhất và phổ biến cho đến tận bây giờ và bắt đầu xuất hiện tên Việt là "Xuân và tuổi trẻ".

Bài hát ban đầu được nhà xuất bản Đón Gió xuất bản vào năm 1954, với phần lời đầy đủ bao gồm lời Việt và lời Hoa, được nhà xuất bản này tái bản lại 04 lần trong hai năm từ năm 1954 đến 1956. Các phiên bản tái bản về sau của nhà xuất bản Đón Gió vào năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa và nhà xuất bản Diên Hồng vào năm 1960 và 1961 đều lược bỏ phần tiếng Hoa, chỉ để lại lời bài hát tiếng Việt.

Trước năm 1975, bài hát đã được ca sỹ Mai Hương thể hiện khá thành công, đây là bài hát mà bà dự thi tuyển lựa ca sỹ của Đài phát thanh Pháp Á. Bài hát này cũng được danh ca Thái Thanh trình bày trong băng nhạc Jo Marcel 21 - Xuân nhạc 1971 và ca sỹ Sơn Ca & Bùi Thiện trình bày.

Sau năm 1975, bài hát được một số ca sỹ trong nước và hải ngoại thể hiện như: Minh Tuyết, Thanh Lan, Quang Dũng, Ánh Tuyết,...Những ca sỹ này, phải nhắc đến Ánh Tuyết thể hiện thành công nhất, với chất giọng cao, ngọt ngào và mượt mà. Nhiều người sành nhạc tiền chiến bàn luận rằng, có lẽ, vì Ánh Tuyết là người Hội An, nên ca khúc này thẩm thấu sâu hơn chăng?

Tại hải ngoại, một số ca sỹ thể hiện bài hát này trong một số CD. Bài hát đã từng được xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào, qua tiếng hát của nhóm 5 Dòng Kẻ.

Bản nhạc Xuân và tuổi trẻ ghi rõ nhạc La Hối, lời Việt Thế Lữ. Bài hát còn có phần tiếng Hoa xuất bản 28.7.1954
Bản nhạc Xuân và tuổi trẻ ghi rõ nhạc La Hối, lời Việt Thế Lữ. Bài hát còn có phần tiếng Hoa xuất bản 28/07/1954.

Khi nghe ca khúc “Xuân và tuổi Trẻ” chúng ta thấy nhịp khát vọng, nồng nàn của tuổi trẻ đang chớm nụ yêu đương, La Hối đã gợn sóng trùng dương qua “Xuân và tuổi trẻ” khiến cho trái tim bao người thổn thức men say mỗi khi Tết đến, xuân về…

La Hối sinh năm 1920 tại Hội An, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình gốc Quảng Đông (Trung Quốc) đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936 – 1938, La Hối học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi âm nhạc cổ điển phương Tây.

Hoàng Hữu Quyết