Trong đó, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ 8%.
Theo các chuyên gia VCBS, bước sang năm 2025, dự báo tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 14 - 15%. Các động lực sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.
Về lãi suất, VCBS cho rằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025. Trong đó, lãi suất sẽ tiếp tục nhích thêm 0,2 đến 0,3 điểm % trong giai đoạn cuối 2024 khi áp lực về tỷ giá, lạm phát vẫn hiện hữu và các ngân hàng cần đảm bảo thanh khoản để đáp ứng nhu cầu tín dụng.
Tuy nhiên sang 2025, VCBS cho rằng lãi suất huy động sẽ đi ngang khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Dù lãi suất có nhích lên nhưng vẫn thuộc vùng thấp, tương tự như giai đoạn dịch Covid-19.
Trong khi đó, các chuyên viên phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các ngân hàng.
Cụ thể, các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp tục giảm nhẹ, trong khi những ngành phục hồi nhanh, rủi ro cao hơn như Bất động sản và xây dựng có thể nhích lên theo đà tăng của lãi suất huy động.
VCBS cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường hai. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.
Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
VCBS cho rằng, chất lượng tài sản toàn ngành sẽ có xu hướng cải thiện cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, cũng như hiệu quả từ các chính sách nối tiếp nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn của Chính phủ và NHNN.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản cũng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải.
Trong khi đó, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024.
Ngoài ra, một số cũng phải chịu rủi ro nợ kéo theo trên CIC, đặc biệt khi cho vay các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn.
Ngoài ra, VCBS lưu ý, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý IV/2024 và năm 2025.
An Nguyên (t/h)