Xã chuyển đổi số đầu tiên ở Nam Định

Ông Trần Văn Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Tuấn chia sẻ, giai đoạn 2010 - 2015, Trực Tuấn là 1 trong những xã nằm trong top cuối của huyện Trực Ninh về xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, Trực Tuấn mới được công nhận xã nông thôn mới.

......
Trụ sở UBND - HĐND xã Trực Tuấn

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, Trực Tuấn nhanh chóng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2020, Trực Tuấn vinh dự được UBND tỉnh Nam Định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 và nằm trong top đầu của huyện về đích nông thôn mới nâng cao sớm nhất.

Không bằng lòng với kết quả đó, cán bộ và nhân dân xã Trực Tuấn tiếp tục nâng cao các tiêu chí, triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Trần Văn Quyên cho hay: Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đã đưa ra 3 lĩnh vực nổi trội gồm giáo dục, y tế, chuyển đổi số để lựa chọn. Sau 1 thời gian tham khảo, chúng tôi thống nhất chọn chuyển đổi số làm lĩnh vực nổi trội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 2 năm triển khai, thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, xã Trực Tuấn chính thức cán đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Tháng 7/2023, UBND tỉnh Nam Định ký quyết định công nhận xã Trực Tuấn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội là chuyển đổi số.

Xã Trực Tuấn nhìn từ trên cao
Xã Trực Tuấn nhìn từ trên cao

Theo ông Quyên, để thực hiện hóa thành công lĩnh vực nổi trội, địa phương phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số.

Song song với đó, xã triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hiện Đài truyền thanh xã đang ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu từng cụm loa.

“Đài truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm hơn so với truyền thanh có dây và không dây FM như không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh, số lượng cụm loa không giới hạn, thu âm, phát thanh mọi nơi đến từng cụm loa và dễ bảo dưỡng, dễ di dời khi cần thiết…”, ông Quyên nhấn mạnh.

Đặc biệt, xã Trực Tuấn đã lắp đặt và đưa vào sử dụng bảng tin điện tử công cộng tại vị trí trung tâm xã, cụ thể là sân vận động của xã để tuyên truyền các nội dung, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước, hình ảnh xây dựng nông thôn mới, hình ảnh văn hóa, văn nghệ của nhân dân trên địa bàn xã.

Camera an ninh hoạt động 24/24h

Với mục tiêu giảm nghèo thông tin, thời gian qua, xã Trực Tuấn đã triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở bộ phận Một cửa của UBND xã, Trạm Y tế xã, Nhà văn hóa 8 thôn để người dân địa phương thoải mái truy cập internet, tìm hiểu kiến thức, thông tin cần thiết về xã hội, kinh tế… và tiếp cận nền tảng số.

Các mắt camera an ninh được lắp đặt khắp xóm, làng
Các mắt camera an ninh được lắp đặt khắp xóm, làng

Bên cạnh đó, nhiều mắt camera an ninh trên cao cũng được xã Trực Tuấn gắn ở những nơi công cộng, nơi có đông người qua lại… Hiện, các mắt camera an ninh này được kết nối, truyền tải hình ảnh rõ nét cả ngày lẫn đêm về UBND xã và Công an xã Trực Tuấn.

Ông Trần Văn Quyên khẳng định: “Từ khi lắp đặt hệ thống camera an ninh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã được giữ vững, nạn trộm cắp vặt giảm đáng kể so với những năm trước… do đó người dân rất hài lòng, yên tâm, không còn lo sợ”.

Dạo một vòng quanh xã Trực Tuấn, chúng tôi thấy quang cảnh nông thôn nơi đây đẹp, tươi sáng như một bức tranh thu nhỏ. Đường giao thông rộng rãi, sạch sẽ; nhà cao tầng mọc lên như nấm; đặc biệt camera an ninh được lắp đặt phủ kín, mắt hướng về các phía ghi nhận hình ảnh.

Là 1 trong 8 thôn được UBND xã Trực Tuấn chọn xây dưng thôn thông minh, ông Trần Xuân Vượng, Bí thư Chi bộ thôn Nam Lạng Tây không giấu nổi cảm xúc khi nhắc lại chặng đường xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, người dân trong xóm nên thôn Nam Lạng Tây đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành thôn thông minh theo đúng kế hoạch.

Ông Vượng bật mí, thôn Nam Lạng Tây đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng có đầy đủ ban bệ, thành viên tham gia. Nhiệm vụ của Tổ là giúp người dân tiếp cận các nền tảng số; tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng số cho mọi người.

An ninh trật tự được đảm bảo nhờ hệ thống camera
An ninh trật tự được đảm bảo nhờ hệ thống camera an ninh

Đến nay, thôn có trên 70% người dân được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.

Từ đó, người dân biết cách đưa hình ảnh nông sản tiêu biểu lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút khách hàng.

Theo ông Vượng, từ nguồn vốn xã hội hóa, cơ sở đã triển khai lắp đặt 1 điểm wifi miễn phí phục vụ người dân tại nhà văn hoá của thôn. Mạng wifi có đường truyền kết nối Internet băng thông rộng tốc độ từ 100 Mbps, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác và an toàn, an ninh thông tin theo các quy định hiện hành. Thôn cũng đã lắp đặt 9 điểm camera an ninh để theo dõi địa bàn, quản lý an ninh trật tự...

"Bây giờ chỉ cần một thao tác đơn giản là bà con có thể đăng thông tin lên nhóm zalo của thôn. Nhờ vậy, mọi người dễ dàng nắm bắt, tham gia thực hiện các công việc cần làm của chi bộ, của thôn", ông Vượng nói. 

Văn Chiến