Cụ thể ngày 19/2/2019, giá lúa OM 5451 ở Hậu Giang và Cần Thơ được thương lái mua tại ruộng với giá từ 4.800 - 4.900 đồng/kg, giống lúa IR 50404 dao động từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng/kg so với vụ lúa Đông xuân năm trước. 

Một người dân ở Tam Bình, Vĩnh Long cho biết: “Với giá bán 4.900 đồng/kg, cộng năng suất lúa chỉ đạt 800 kg/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha, giảm gần 10 triệu đồng/ha so với năm ngoái”.

VFA yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh thu mua lúa cho người dân - Hình 1

Chủ động tạm trữ lúa chờ giá

Trước tình hình giá lúa giảm, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA đã đề nghị: Các hội viên VFA chủ động thực hiện mua dự trữ lưu thông. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. 

Các DN thành viên VFA, chủ động liên kết và hỗ trợ các HTX, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các doanh nghiệp hội viên. Các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các HTX, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng.

Theo nhận định của một giám đốc DN thành viên của VFA, thị trường xuất khẩu vẫn đang có nhu cầu lớn nhưng tạm thời chưa đúng điểm rơi và các DN xuất khẩu đang kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay bổ sung. Dự báo ngắn hạn trong quí I-2019 các nước Philipines và Indonesia sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong khu vực và là hai nhà cung cấp gạo chủ yếu sang thị trường Philipines. Gạo Thái Lan đang có mức giá bình quân cao hơn gạo Việt Nam, dự đoán trong thời gian nước này đang chuẩn bị bầu cử giá gạo Thái Lan sẽ khó có khả năng giảm nhiều nên gạo Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh. Do vậy, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam và nông dân chủ động khâu tạm trữ chờ giá lúa ổn định, giữ được lợi nhuận là biện pháp cần thiết trong lúc này.

Hằng Vương (t/h)