Hàng năm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới.
Tính riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu đạt 2,46 tỷ USD tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ...
Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Bên cạnh đó, ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp một số khó khăn. Gạo là mặt hàng đang được bảo hộ rất cao. Trong khi đó, năm 2018, chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên ảnh hưởng chung đến các loại hàng hóa, trong đó có gạo. Ngoài ra, gạo cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi các điều kiện môi trường.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, gạo Việt còn hạn chế trong năng lực tiêp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng. Việc xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cẩu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thương hiệu gạo Vìệt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.
Phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra, hiện nay, diện tích canh tác gạo của Việt Nam lớn nhưng chưa tổ chức chuyên canh từng loại gạo. Cùng với đó, việc đồng bộ chuỗi sản xuất từ trồng trọt tới đóng gói rời rạc, chưa tạo ra giá trị chung. Các thương hiệu gạo uy tín chưa có.
Ông Hải cho biết mục tiêu là đưa các sản phẩm gạo sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ. Các sản phẩm về gạo sẽ chiếm lĩnh tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu.
Dự kiến, cả năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2 - 3,3 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Ngọc Linh