Tổng cục Thuế mới đây đã cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 581 quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và 2.402 quyết định cưỡng chế nợ thuế.

Cụ thể, trong số công ty bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có 130 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), 119 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và 240 công ty đăng ký giao dịch tại UPCoM. Trong số các công ty bị cưỡng chế nợ thuế, có 62 công ty niêm yết trên HOSE, 99 công ty niêm yết trên HNX, 165 công ty đăng ký giao dịch tại UPCoM.

Vi phạm thuế gần 500 doanh nghiệp niêm yết bị phạt hàng tỉ đồng - Hình 1

Tập đoàn Hà Đô cũng bị xử phạt về thuế thời gian qua nay mới công bố. Ảnh HDG

Bị xử phạt vi phạm về thuế với số tiền lớn nhất là CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (phạt nộp chậm hơn 14 tỉ đồng),CTCP Công nghiệp gốm sứ Taicera (truy thu thuế gần 10,5 tỉ đồng), CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (phạt nộp chậm trên 7 tỉ đồng).

Ngoài ra còn có CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (phạt chậm nộp hơn 2,8 tỉ đồng), CTCP Tập đoàn Kido (phạt nộp chậm hơn 2 tỉ đồng), CTCP Thủy sản số 4 (phạt nộp chậm gần 1,8 tỉ đồng), CTCP GTNFoods (truy thu hơn 1,2 tỉ đồng), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (phạt nộp chậm 1,6 tỉ đồng), CTCP Quốc Cường Gia Lai (phạt nộp chậm hơn 730 triệu đồng), CTCP Xây dựng Coteccons (phạt nộp chậm gần 331 triệu đồng).

Hay Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) công bố quyết định xử phạt của Cục Thuế Hà Nội năm 2014 và 2016 với tổng số tiền phải nộp hơn 320,2 triệu đồng. Công ty này cho biết do sơ suất nên đến nay mới công bố thông tin.

Tương tự, Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF) công bố quyết định xử phạt của Cục Thuế Nghệ An từ cuối năm 2017 với tổng số tiền thuế và tiền phạt hơn 1 tỉ đồng cho kết quả kỳ thanh tra thuế 2015 - 2016. Công ty giải trình tại thời điểm nhận được quyết định trên, công ty có nhiều xáo trộn về mặt nhân sự, thư ký hội đồng quản trị mới được bổ nhiệm nên chưa sát sao trong công việc, thiếu phối hợp với các bộ phận liên quan dẫn tới bỏ qua việc công bố thông tin quyết định xử phạt thuế.

Không ngoại lệ, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) cũng thông báo tổng mức xử phạt và truy thu thuế hơn hơn 92,7 triệu đồng diễn ra vào giữa năm 2017. Công ty xin nhận sai sót và cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp nay mới công bố các quyết định xử phạt thuế còn kể đến như Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (VMD), Công ty cổ phần Camimex Group (CMX), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS), Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII...

Hải Đăng