Anh Nguyễn Văn Minh, một tài xế lái xe khách hàng ngày đi lại trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, mỗi lần đi qua tuyến đường này, có hàng cây xanh mát hai bên đường luôn tạo cảm giác dễ chịu, lái xe an toàn. 

“Cây xanh bên đường tạo bóng mát giúp giảm chói lóa gây ra từ ánh sáng mặt trời hoặc đèn đường, tạo môi trường lái xe an toàn hơn. Thế nhưng, không hiểu vì sao cây xanh tốt đẹp như vậy và tồn tại nhiều năm qua, nay lại đang bị chặt bỏ không thương tiếc”, anh Minh băn khoăn.

Hàng cây xanh mát hai bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Hàng cây xanh mát hai bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lên, người thường xuyên đi qua cao tốc này cho rằng, cây xanh bên đường giúp làm giảm khí thải và cải thiện chất lượng không khí.

Không những thế, cây xanh còn giúp giảm đáng kể tiếng ồn, tạo ra môi trường yên tĩnh hơn cho các khu dân cư gần đó. Thế nhưng không hiểu vì sao lại cho chặt bỏ?

Hàng cây hai bên đường từ nút giao Cầu Giẽ đến nút giao Liêm Tuyền (thuộc địa phận Hà Nam) đang bị đốn hạ.
Hàng cây hai bên đường từ nút giao Cầu Giẽ đến nút giao Liêm Tuyền (thuộc địa phận Hà Nam) đang bị đốn hạ

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), việc chặt hạ cây keo dọc hai bên cao tốc là bắt buộc nhằm khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, năm 2024, VEC sẽ thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Đại Xuyên đến Liêm Tuyền từ 4 làn lên 6 làn xe. Do vậy, việc chặt hạ cây xanh dọc cao tốc là cần thiết để chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Những cây keo bị đốn hạ còn trơ gốc.
Những cây keo bị đốn hạ còn trơ gốc

Ông Trần Hưng Hà, Giám đốc Khu quản lý đường bộ 1 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong quá trình khai thác, đơn vị đã yêu cầu VEC phải thường xuyên kiểm tra không để tình trạng cây đổ gây mất an toàn giao thông; đồng thời phải chặt bỏ cây tại những đoạn đường cong khúc cua ven đường.

Thiên Trường