Chúng ta vừa phải trả giá quá đắt cho sự cố Formosa. Nhưng có những DN vẫn lao vào sản xuất thép. Hàng loạt dự án NM thép có vốn đầu tư hàng tỷ USD đang rục rịch triển khai tại một số địa phương. Dù dư luận và nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối; nhưng vì sao các DN vẫn muốn xin đầu tư NM thép ven biển?

Vì sao DN đổ xô đầu tư nhà máy thép ven biển? - Hình 1

Khi DN “chuộng”… dự án ven biển

Mới đây, BQL KKT Dung Quất (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi) đã có công văn gửi lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xin ý kiến về Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại KKT Dung Quất, trên nền của dự án NM thép Guang Lian Dung Quất đang dở dang.

Theo BQL KKT Dung Quất, dự án này có công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, thời gian hoạt động 70 năm. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Dự án đăng ký đầu tư của Hòa Phát phù hợp với quy hoạch tổng thể KKT Dung Quất đến năm 2015 và năm 2020 - đã được Thủ tướng phê duyệt.

Khi bài học về Formosa vẫn còn đang nóng hổi thì sự kiện gần đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tuyên bố sẽ đầu tư 10,6 tỷ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná (Ninh Thuận), càng dấy lên làn sóng phản đối của người dân ven biển và các chuyên gia môi trường.

Trước đó, giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã đề xuất dự án NM thép liên hợp tại Đầm Môn, vịnh Vân Phong (Vạn Ninh, Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư lên đến 11,5 tỷ USD, công suất 12 triệu tấn/năm. Đây được xem là dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Dù dự án này được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và một số bộ, ngành liên quan lúc đó thống nhất đề nghị xúc tiến triển khai; nhưng với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa về hưu, ông Phạm Văn Chi đã gửi rất nhiều đơn thư lên Tổng Bí thư, Chính phủ và bộ, ngành quyết liệt phản bác.

Giải quyết bài toán chi phí vận tải

Lý giải về việc các DN “chuộng” làm thép ven biển, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, Việt Nam không có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thép do chúng ta không có đủ nguồn tài nguyên, đặc biệt là than luyện cốc và quặng sắt. Mỏ lớn nhất là mỏ Thạch Khê hiện vẫn chưa đi vào sản xuất được. Đối với những NM thép có sản lượng lớn, độ 5 - 7 triệu tấn trở lên, số lượng vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm rất nhiều, thường gấp 4 lần sản lượng.

Ví dụ, NM có sản lượng khoảng 5 triệu tấn thì lượng vận chuyển sẽ khoảng 20 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc lựa chọn những vị trí ven biển, đặc biệt là những nơi có cảng nước sâu là rất cần thiết đối với những NM có sản lượng lớn.

Như vậy, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đầu tư đồng bộ, đặc biệt là đầu tư vào những nguyên liệu và bán thành phẩm Việt Nam chưa sản xuất được để phục vụ cho các khâu sản xuất tiếp theo trong chuỗi giá trị ngành. Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại (FTAs), xuất xứ hàng hóa rất quan trọng trong việc xác định các mặt hàng có được hưởng ưu đãi thuế suất hay không, do vậy, nên hạn chế NK các sản phẩm từ Trung Quốc.

Theo đại diện một DN sản xuất thép tại Việt Nam, sở dĩ các DN “chuộng” đầu tư NM thép ven biển bởi: Ở Việt Nam, quặng sắt không có nhiều, than cũng không đủ để luyện thép, nghĩa là 2 nguyên liệu chính cho sản xuất thép đều phải NK. Tuy nhiên, với những tàu vận chuyển nguyên liệu có tải trọng khoảng vài trăm tấn thì sẽ dễ dàng, nhưng với khối lượng nguyên liệu NK lớn đến hàng nghìn tấn thì phải cần một cảng biển có đủ độ sâu để tàu cập cảng. Bên cạnh đó, việc bố trí các dự án ven biển, sẽ giúp cho việc vận chuyển than từ cảng đến nhà máy sẽ thuận lợi hơn và giảm được nhiều chi phí cho DN.

Phân tích cụ thể, theo vị này, sở dĩ NM thép Thái Nguyên, ở khu vực trung du Bắc Bộ vẫn tồn tại được dù không gần biển là vì “may mắn”, đây là khu vực nằm giữa các mỏ khai thác quặng sắt thép, có thể đủ nguồn cung cấp nguyên liệu cho các NM. Nếu không có điều kiện tự nhiên thuận lợi này, nguyên liệu của NM sau khi được NK từ Úc, Brazil, Nga… sẽ được chuyển qua băng tải, sau đó được vận chuyển đến NM bằng đường bộ, sẽ khiến chi phí vận tải tốn kém bởi hiện nay, giá cước vận tải đường bộ của Việt Nam cao hơn nhiều so với vận tải đường thủy.

Bên cạnh đó, nếu các dự án được đặt tại vị trí ven biển cũng sẽ thuận lợi trong việc cung cấp nước bởi nguồn nước ngầm tại các khu vực ven biển thường sẽ dồi dào hơn.

Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều NM thép, hầu hết đều đặt ven biển, ít có dự án nào trên núi như NM Gang thép Thái Nguyên ở Việt Nam.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay: Sắt thép là mặt hàng rất nặng có trọng lượng lớn, vì vậy cần vận chuyển đường thủy thì giá thành sẽ rẻ hơn, cho nên nhiều DN sản xuất thép lựa chọn vị trí gần cảng biển điều này sẽ có lợi thế cho DN.

Quản lý việc xả thải như thế nào?

Theo DN sản xuất thép, các dự án đều có khu bãi xỉ gần NM, có hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi xả ra môi trường, tuy nhiên, việc vận hành hệ thống này thường rất tốn kém, do đó để tiết kiệm chi phí, nhiều dự án không tuân thủ đúng quy trình, không đủ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, thép Việt Nam chịu cạnh tranh lớn của thép giá rẻ Trung Quốc, nếu muốn bán được sản phẩm thì thép Việt Nam phải giảm chi phí để có sức cạnh tranh. Trước sức sép đó, nhiều DN lựa chọn phương án sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc công nghệ hiện đại, nhưng lại không vận hành hệ thống quản lý kiểm soát việc xả thải đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay: Bộ rất quan tâm tới những dự án sắt thép, dệt nhuộm, sản xuất giấy và hóa chất phân bón. Đây là 4 ngành kinh doanh rất nhạy cảm, có sự xả thải rất lớn; tuy nhiên, nếu công nghệ hiện đại, quy trình xử lý tiên tiến và tuân thủ đầy đủ những quy trình xả thải của pháp luật Việt Nam thì chúng ta vẫn có thể đầu tư để phát triển.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương không nên vì thấy DN lớn muốn đầu tư mà mời chào vào những khu vực nhạy cảm và nên cân nhắc chủ trương đầu tư, cân nhắc việc quy hoạch vùng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhân, năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy hoạch môi trường: “Trong quy hoạch, chúng tôi rất chú ý đến môi trường sản xuất, nơi nào sản xuất công nghiệp tác động tới vùng nhạy cảm sẽ có quy hoạch trước, đặt trước mắt việc đánh giá môi trường chiến lược, cảnh báo trước điều đó cho từng địa phương để tránh những vùng không thể chấp nhận dự án nhạy cảm”.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng lưu ý, vấn đề môi trường phải đặc biệt theo dõi, kiểm tra, kiểm soát. Tất cả chất xả thải, phải kiểm soát đúng tiêu chuẩn hiện hành, bao gồm những tiêu chuẩn về chất xả thải, chất rắn, khí, lỏng… đã được Nhà nước ban hành. “Hiệp hội Thép Việt Nam luôn khuyến nghị, tất cả các thành viên tuân thủ mọi quy định của pháp luật, trong đó có cả quy định về môi trường, xả thải”, ông Sưa nói.

Kiều Tuyết