THCL Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tiếp nhận đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm thép cán nguội NK từ Việt Nam. Trước tình hình này, cơ quan chức năng đang tích cực làm việc với các thương vụ tại nước ngoài và các cơ quan liên quan nhằm rà soát lại các dữ liệu, xác minh làm rõ vụ việc.

Nguy cơ mất thị trường

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong đơn kiện gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), nguyên đơn nêu rõ, trước đó Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp rất cao đối với thép Trung Quốc với mức tương ứng là 200% và 256%. Sau khi Hoa Kỳ áp dụng các mức thuế, lượng thép XK của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh. Ngược lại, lượng thép XK cùng loại từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng đột biến.

Do đó, phía DN Hoa Kỳ nghi ngờ các công ty Trung Quốc không sản xuất sản phẩm này ở Trung Quốc mà chuyển qua Việt Nam gia công rồi XK vào Hoa Kỳ để hưởng chênh lệch thuế, né thuế. Theo các DN sản xuất thép Việt Nam, việc bị vạ lây từ hàng Trung Quốc là mối nguy cho các DN làm ăn chân chính.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đây là một hình thức gian lận thương mại, lẩn trốn thuế tinh vi của công ty nước ngoài khi bị các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU đánh thuế chống bán phá giá cao. Đây cũng là hiện tượng biến tướng của đầu tư nước ngoài với nhiều hành vi lẩn tránh thuế - do chính công ty nước ngoài thực hiện.

“Cũng có trường hợp có sự tiếp tay của một số công ty Việt Nam. Theo đó, các công ty này NK hàng hóa nguyên kiện, thậm chí sản phẩm hoàn thiện vào Việt Nam, đóng gói “made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam rồi xuất sang một số nước nhằm lẩn trốn thuế.

Việc gian lận thương mại này gây ảnh hưởng lớn đến hàng Việt khi XK sang các thị trường, làm thu hẹp thị trường hàng Việt. Trong khi đó, hàng gian lận của Trung Quốc lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch. Thực tế, không ít DN làm ăn tử tế bị điều tra oan, mất uy tín và bị bạn hàng nghi ngờ chất lượng”, ông Hiếu nêu.

Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá; kiện chống trợ cấp; kiện lẩn tránh áp thuế chống bán phá giá và phòng vệ thương mại) là một việc thường xảy ra nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tuân thủ những quy định của WTO.

PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước khác khi XK thép vào thị trường Hoa Kỳ cũng gặp khó khăn khi bị các DN nước này kiện cáo. Đây là chiến lược của mỗi quốc gia. Họ phải bảo vệ các DN trong nước khi nhiều nước cùng XK mặt hàng thép vào thị trường Hoa Kỳ.

Cần chứng minh nguồn gốc…

Để tự bảo vệ mình, chống lại hiện tượng gian lận từ hàng hóa Trung Quốc, các công ty trong nước cần minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, chứng minh sản phẩm của mình là do Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, cần tích cực cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng về việc hàng Trung Quốc mạo danh xuất xứ Việt Nam để cung cấp cho cơ quan quản lý.

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), trong vụ việc hiện nay nguyên đơn đang cáo buộc chống lại cả ngành thép của Việt Nam, chứ không chỉ là những nhà XK cụ thể. Việc cần làm của các công ty thép Việt chính là chứng minh với phía Hoa Kỳ nguồn gốc sản phẩm thép Việt; trả lời đầy đủ câu hỏi cáo buộc, cung cấp thông tin chứng minh không có bất kỳ sự ưu đãi nào…

Theo PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm: “Nếu có đầy đủ hồ sơ, bằng chứng, Việt Nam hoàn toàn có thể bác bỏ những cáo buộc và đơn kiện từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thép cán nguội nhờ áp dụng công nghệ và kỹ thuật cao. Nhà máy thép SENDO tại Vũng Tàu hay một số nhà máy thép khác ở miền Bắc, trong đó có Hòa Phát, đã sản xuất được thép cán nguội sau khi NK nguyên liệu từ nước ngoài rồi tiến hành cán mỏng.

Vì vậy, với việc các DN Hoa Kỳ kiện chống phá giá đối với thép Việt Nam, tôi cho rằng Hiệp hội Thép cần phải đứng ra bảo vệ các DN. Mặt khác, các DN cần phải chứng minh được tự bản thân sản xuất thép, chứ không phải NK thép từ Trung Quốc về rồi bán sang Hoa Kỳ”.

Ông Chu Đức Khải cũng nhấn mạnh, phía Việt Nam phải chứng minh được sự trong sạch và kiên quyết lên tiếng phản đối các DN Hoa Kỳ làm mất uy tín của chúng ta.

“Trách nhiệm của DN Việt Nam là phải chứng minh tự sản xuất, không có trợ cấp gì từ Chính phủ, không có gian lận thương mại. Việc Việt Nam XK sang Hoa Kỳ nhiều là do chúng ta có lợi thế. Bây giờ phải điều tra, làm rõ những vấn đề này”, ông Khải nêu quan điểm.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đang tích cực trao đổi với các thương vụ tại nước ngoài và các cơ quan liên quan để rà soát lại các dữ liệu, xác minh rõ vụ việc thép Trung Quốc nghi “đội lốt” thép Việt để XK vào EU.

Theo đại diện cục này, nếu có tình trạng trên thì DN thép Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn khi né được thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thương hiệu thép Việt khi XK sang thị trường EU lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, mất uy tín trên thị trường thế giới.

Nên phòng vệ từ xa

Hiện nay, do giá thành rẻ, cùng với sản lượng dư thừa lớn, thép Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. EU và một số nước đang có các hình thức ngăn chặn thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào bằng việc tăng thuế chống bán phá giá.

Ông Chu Đức Khải cho rằng: “Động thái trên nhắc nhở các DN thép Việt Nam đó là tìm kiếm, khai thác được một thị trường đã khó, nhưng giữ ổn định được thị trường còn khó hơn, vì các quốc gia luôn tìm mọi biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của WTO để bảo vệ sản xuất trong nước họ.

Đối với Hiệp hội Thép Việt Nam, chúng tôi luôn nhắc nhở các DN thành viên cần tự thân vận động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình, thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị DN để từ đó hạ giá thành nhằm có được năng lực cạnh tranh cao hơn”.

Đa phần các DN Việt Nam là DNNVV, đều có điểm yếu là rào cản ngôn ngữ (tiếng Anh) nên việc nhận diện để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nơi mình nhắm đến còn hạn chế (ngoại trừ một số DN lớn có nguồn nhân lực đủ mạnh nắm được luật lệ trong lĩnh vực thương mại quốc tế).

“Về động thái đáp trả, đã có kiện thì sẽ có kháng kiện. Các DN bị đơn sẽ phối hợp cùng Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh để đấu tranh bằng những quy định của WTO (vì Hiệp định TPP, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hiệu lực thi hành)”, ông Khải nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Việt Nam cần thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường NK lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… áp thuế chống bán phá giá, đồng thời tìm hiểu thông tin những mặt hàng nước láng giềng đang bị kiện và chịu thuế cao. Khi phát hiện ra những công ty XNK tăng đột biến mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang điều tra, thì cơ quan hải quan cần có sự cảnh báo cho các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra”.

Hoan Nguyễn