Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng dầu ở Việt Nam đột ngột tăng mạnh, đắt lịch sử bất chấp bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã tạo áp lực lớn với sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Giá xăng dầu đột ngột giảm mạnh?

Theo đó, chiều nay 21/02, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít; dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng dầu ở Việt Nam đột ngột tăng mạnh
Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng dầu ở Việt Nam đột ngột tăng mạnh.

Trong kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Đồng thời, Liên Bộ Công Thương – Tài chính chi sử dụng quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Sau khi chi sử dụng và không trích lập quỹ BOG, giá xăng dầu trên thị trường kể từ 15h ngày 21/02 phổ biến ở mức sau: Giá xăng E5RON92 không cao hơn 25.530 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 26.280 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.800 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 19.500 đồng/lít; Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.930 đồng/kg.

Vì sao giá xăng, dầu bất ngờ tăng chóng mặt?

Về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh cho rằng, giá xăng dầu trong nước tăng cao một phần do ảnh hưởng tăng nóng của giá thế giới. Nhưng bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước cũng đang phải “gánh” rất nhiều thuế phí.

“Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay phải đóng thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 04 sắc thuế này chiếm gần 40% giá thành bán ra của một lít xăng. Ngoài thuế, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, phí lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, phí lợi nhuận doanh nghiệp”, TS. Bùi Trinh chia sẻ.

Cũng theo TS. Bùi Trinh, giá xăng dầu thế giới tăng nóng, áp lực rất lớn đến giá xăng dầu trong nước, nhưng thuế bảo vệ môi trường vẫn thu cố định 4.000 đồng/lít. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống của người dân và là đầu vào thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lan tỏa, chẳng hạn khi xăng dầu tăng giá, giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và cả tăng trưởng, khi giá tăng làm chi phí trung gian tăng lên và giá trị tăng thêm giảm đi.

Mặt khác, vì tiêu dùng nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập, nên khi giá các mặt hàng quá cao, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất. Như vậy xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

TS. Bùi Trinh nêu quan điểm, để công bằng với các ngành kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường, cần tính toán bỏ mức lợi nhuận định mức xăng dầu. “Không thể nào chấp nhận chính sách cứ bán một lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng”, ông Trinh nói.

Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định: Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế.

“Giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và Quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế”, ông Long cho hay.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích, trong giá một lít xăng có đến gần 40% là tiền thuế, phí là một “gánh nặng”. Khi giá tăng mạnh, rất cần tính toán hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp bằng việc giảm bớt thuế, phí.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế lên trên, nếu giá xăng dầu quá cao sẽ tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%. Ở bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá có hạn, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm phải sử dụng công cụ thuế, phí.

Minh An (T/h)