Được biết, thị trường Mỹ chiếm 95% thị phần xuất khẩu của mật ong Việt Nam với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Việc bị áp mức thuế cao như vậy, ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất mật ong của Việt Nam. Vì sao Mỹ lại áp mức thuế cao như vậy?
Mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế cao nhất
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%.
Cùng với Việt Nam, 04 nước khác gồm: Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina cũng nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này. Trong đó, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.
Mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế 412,9%. Ảnh internet.
Thông tin về sự việc này, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, đây mới là phán quyết sơ bộ của DOC với sản phẩm mật ong của Việt Nam và một số nước. Nhưng, điều không mong muốn đã xảy đến là Mỹ áp thuế sơ bộ với mật ong Việt Nam ở mức cao nhất so với các nước còn lại, và đây là điều khác thường.
"Chúng tôi cũng báo cáo tham mưu đề xuất với Bộ Công Thương để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp liên quan của Việt Nam chuẩn bị thông tin đầy đủ khách quan cung cấp cho cơ quan điều tra của Mỹ. Đồng thời, làm việc với các đối tác nhập khẩu mật ong của Mỹ có chia sẻ lợi ích với chúng ta vận động các cơ quan Chính phủ Mỹ có tiếng nói để Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét khách quan và hợp lý nhất". đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay.
Được biết, sau khi DOC công bố kết quả sơ bộ, từ nay đến 08/04/2022 là thời gian để DOC tiếp tục xem xét, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các bên liên quan và ra kết luận cuối cùng.
"Khi DOC đưa ra kết luận cuối cùng mà sản phẩm vẫn tiếp tục bị áp thuế, hoặc có thể xảy ra khả năng họ không áp thuế nữa (dù rất khó) hoặc họ xem xét giảm mức thuế chống bán phá giá, và trong trường hợp đó, mật ong Việt Nam sang Mỹ bị kết luận bán phá giá thì sẽ bị áp thuế 05 năm, và hàng năm Mỹ sẽ rà soát lại mức thuế trên căn cứ vào yêu cầu của các bên liên quan.
Sau 05 năm sẽ rà soát xem có gia hạn thuế hay chấm dứt áp dụng thuế chống bán phá giá hay không", ông Sơn cho biết.
Ngay sau khi có kết quả sơ bộ mức thuế chống bán phá giá áp lên sản phẩm mật ong Việt Nam, ông Đặng Bá Long, đại diện truyền thông CTCP Mật ong TP.HCM bày tỏ: "Mức thuế này cao quá sức vô lý, xem như các doanh nghiệp mất luôn thị trường Mỹ. Trong hoàn cảnh này chúng ta chỉ còn thị trường Châu Á, một ít ở Châu Âu và tiềm năng ở thị trường nội địa".
Theo ông Long, sản phẩm mật ong muốn xuất khẩu vào Mỹ phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Hệ thống giám sát và cấp chứng nhận True Source Honey (chứng nhận nguồn gốc mật ong), tổ chức NSF International (cơ quan đánh giá, giám sát và chứng nhận từ những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ) và những tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Hướng đi nào cho mật ong Việt Nam ra thị trường thế giới?
Tháng 05 vừa qua, DOC quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong nhập khẩu từ Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina và Việt Nam.
Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ. Hiện phía Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra mật ong nhập từ Việt Nam và các nước.
Từ kết quả điều tra, nếu chứng minh mật ong Việt Nam bán phá giá, chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng một số biện pháp như trong phòng vệ thương mại với mật ong của nước ta.
"Năng suất mật ong ở Mỹ rất thấp, chỉ 25kg mật/1 đàn ong. Trong khi đó, bình quân mỗi một đàn ong ở Việt Nam có thể cho 70 kg mật trong một năm. Chính vì vậy, giá thành sản xuất và giá bán mật ong của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mật ong Mỹ, Đây cũng chính là lý do họ điều tra bán phá giá", ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam thông tin.
Liên quan đến vấn đề trên, phía Hiệp hội Các nhà xuất khẩu mật ong Việt Nam cho hay, đơn vị đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ việc này.
"Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Mỹ, đồng thời cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền có sự tác động với đối tác Mỹ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam. Từ đó đình chỉ hoặc có mức thuế phù hợp, điều này không chỉ giúp cho nhà sản xuất mà chính cho người tiêu dùng của Mỹ", ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam nói.
Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD. Trong đó, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.
Trước mắt, việc Mỹ điều tra mật ong từ các nước trong đó có Việt Nam đã tác động không nhỏ đến thị trường sản xuất trong nước. Vị này cho biết: "Giá mật ong đã xuống và rất nhiều người nuôi ong lo lắng. Hầu hết những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và năng lực tài chính còn yếu. Nên khi Mỹ quyết định điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn".
Về các giải pháp để tránh xảy ra sự việc tương tự, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, không chỉ mật ong mà nhiều nhóm hàng nông sản cần tiếp tục đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện tại.
"Thực tế, ngành mật ong đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, để đến khi xảy ra vụ việc sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề cho ngành sản xuất mật ong trong nước và nguy cơ sụt giảm xuất khẩu rất cao. Vì thế, doanh nghiệp và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm. Đồng thời cần tăng tốc sản xuất về số lượng hơn nữa", Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam khuyến cáo.
Qua bài học của ngành mật ong, chuyên gia Nông nghiệp, Hoàng Trọng Thủy nêu quan điểm, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường liên kết dọc theo đường đi của nông sản xuất khẩu, phải coi mình như một tác nhân trong chuỗi giá trị của sản phẩm.
"Cần cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của ngành chăn nuôi ong theo hướng hiện đại với việc xác định mật ong là một ngành kinh tế thì tác nhân trong chuỗi giá trị mới được nâng cao bền vững", vị chuyên gia này nói.
Q.N (t/h)