THCL - Moscow không chủ trương giúp Assad tận diệt quân nổi dậy để thống nhất Syria. Nhận định Nga không thể chiến thắng là không hiểu mục đích Moscow xuất hiện tại Syria.

Reuters ngày 18/11 tường thuật, trong chuyến thăm tạm biệt châu Âu, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã phải trấn an những đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương trong bối cảnh đang dấy lên lo ngại tân Tổng thổng Mỹ Donald Trump sẽ không tiếp tục viện trợ quân sự cho các thành viên NATO nữa.

Cùng với đó là lo ngại tân Tổng thống Trump sẽ gần gũi với Tổng thống Nga Putin, từ đó có thể tạo ra mối quan hệ Mỹ - Nga thân thiện hơn so với thời chính quyền Obama, phá vỡ thế cấm vận của Washington và đồng minh đối với nước Nga sau sự kiện Crimea trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Vì sao Nga không cần chiến thắng cuối cùng ở Syria??? - Hình 1

Putin không chủ trương giúp Assad tiêu diệt hết quân nổi dậy để thống nhất Syria. Ảnh : RT

Còn The New York Times bình luận thì bình luận rằng, khi ông Obama rời vũ đài chính trị, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành “hậu vệ mạnh mẽ cuối cùng” phải chống đỡ với một nước đang Nga hồi sinh, tạo hiệu ứng tốt cực hữu trên khắp Châu Âu và thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Điều đó cho thấy thực sự Mỹ và đồng minh đang rất lo ngại trước những hiệu ứng tiêu cực từ phía Nga đối với sức mạnh và giá trị phương Tây. Đó là sự thật đã được chứng minh qua việc thay đổi quyền lực tại Mỹ và sự đe doạ đối với quyền lực của chính quyền tại các quốc gia đồng minh quan trọng của Washington.

Vậy nhưng có một số người lại đặt vấn đề rằng nước Nga đang run sợ. Chỉ từ những toan tính của các bên trong ván cờ Syria, người ta đã đưa ra kết luận Nga đang sa lầy và tham vọng của Moscow tại Trung đông là quá lớn so với khả năng của nước Nga. Điều đó khiến cho dư luận hết sức ngỡ ngàng.

Nga đang run sợ hay phương Tây đang run sợ?

Có thể khẳng định ngay rằng nước Nga đã, đang và sẽ không run sợ trước kẻ thù, thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó. Trong Thế chiến II, khi phát xít Đức chỉ còn cách Moscow hơn 20km, vận mệnh đất nước Liên Xô ở vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, dân tộc Nga và các dân tộc anh em trong Liên bang Xô Viết có nguy cơ diệt vong, vậy nhưng không hề thấy có sự run sợ.

Bằng chứng là từ lễ duyệt binh kỷ niệm 24 năm ngày Cách mạng Tháng Mười, ngày 7/11/1941, Hồng quân Liên Xô đã tiến thẳng ra chiến trường, đẩy lui phát xít khỏi của ngõ thủ đô, tạo ra thế chủ động trên chiến trường – bước ngoặt quan trọng nhất cho cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của người dân Liên Xô.

Với thuyết “Không gian sống”, thực hiện thanh lọc sắc tộc, sự đe doạ của chủ nghĩa phát xít đối với Liên Xô nguy hại gấp nhiều lần sự đe doạ của các đối thủ với nước Nga hiện nay, vậy nhưng cuối cùng Liên Xô đã chiến thắng. Trong khi cán cân lực lượng lúc đó hoàn toàn thuộc về phát xít, còn mặt trận phía Tây thì Mỹ và Anh vẫn chưa mở, để Liên Xô một chọi một với phát xít.

Người viết xin nhắc lại một chút về lịch sử để cho thấy ai đó nói nước Nga đang run sợ là phiến diện, hiểu biết chưa sâu sắc về khí chất của dân tộc Nga và bản chất sức mạnh của một nhà nước có chủ quyền. Và cần phải hiểu khi nào thì có thể nhận diện một thực thể chính trị, một lực lượng quân có sự run sợ.

Về chính trị thì khi lực lượng cầm quyền nắm giữ quyền lực không theo quy chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân, phải đối mặt với nguy cơ bị tước bỏ quyền lực thì có thể sẽ run sợ khi phải trả giá cho hành động trái quy luật của mình. Hoặc lực lượng cầm quyền rơi vào cảnh có quyền nhưng không còn lực và đối diện với nguy cơ bị tước bỏ quyền lực bởi những lực lượng cực đoan.

Về quân sự thì chỉ những lực lượng tham vọng quyền lực, sử dụng sai mục đích sức mạnh quân sự mang tới thiệt hại cho chính thể quốc gia hay một tổ chức chính trị đại diện, bị phát giác và đối diện với nguy cơ bị trừng phạt thì có thể sẽ run sợ. Còn lại lực lượng quân sự của một quốc gia được thiết lập để thực hiện sức mạnh nhà nước thì thể không có sự run sợ trước kẻ thù.

Người viết cho rằng gần đây có hai hiện tượng có thể nhận diện có sự run sợ, đó là chính quyền Iraq thời hậu Saddam Hussein run sợ trước sức tấn công của như vũ bão của phiến quân IS tiến về Bagdad và có thể lật nhào chính thể này. Hai là lực lượng quân đội Ukraine bị quân nổi dậy bao vây trong cuộc xung đột vũ trang tại miên Đông nước này.

Như vậy, đặt vấn đề nước Nga đang run sợ là không hợp lý, là tuỳ tiện trong sử dụng ngôn từ. Còn nếu cho rằng Moscow đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với tham vọng của mình trên mặt trận Syria để nhận định Nga đang run sợ thì có lẽ phương Tây đang run sợ thì hợp lý hơn.

Bởi lẽ Putin đang thực hiện sứ mệnh được nhà nước Nga uỷ nhiệm và đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của chính quyền Syria. Ngược lại, Mỹ và đồng minh đã phải chống lưng một cách không hợp pháp cho lực lượng chống đối Assad, trong khi ở hậu phương thì đang rối bời vì quyền lực bị đe doạ.

Vậy ai tiến thoái lưỡng nan trong trường hợp này, ai lo ngại hay run sợ trong tình thế này?

Moscow không thể hiện tham vọng nước lớn tại Trung Đông

Có người cho rằng Kremlin can thiệp vào Syria quá muộn, để đến khi chính quyền Assad rệu rã thì Putin mới quyết định can thiệp khiến cho Moscow rơi tình thề tiến thoái lưỡng nan, không thể có được chiến thắng cuối cùng trên chiến trường. Từ đó khiến cho tham vọng “nước lớn Trung Đông” của Moscow khó thành, vượt quá khả năng của nước Nga.

Qua những thể hiện của Moscow, cá nhân người viết cho rằng không thể nhận diện nước Nga có tham vọng nước lớn tại Trung Đông. Thực ra, Putin đã tương kế tựu kế thành công trong các nước đi của mình để rồi thể hiện ra vai trò của nước Nga ngày một lớn với vùng đất khói lửa này. Hiệu ứng đó khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là xuất phát từ tham vọng của Moscow.

Moscow không tìm cách xuất hiện tại Syria một cách bất hợp pháp – dù họ thừa sức làm điều ấy, Kremlin cũng không thúc ép chính quyền Assad phải tạo cớ để Nga xuất hiện hợp pháp tại Syria. Nga chỉ xuất hiện khi có lời kêu gọi từ một chính quyền Syria hợp pháp, hợp hiến. Do vậy, không thể cho rằng Moscow đã chậm chân trong ván cờ Syria.

Khi Moscow can thiệp vào Syria thì chính trường nước này đã hình thành giới tuyến giữa chính quyền hợp pháp của Assad tại Damascus và lực lượng nổi dậy đối lập. Song Moscow không cho thấy có chủ trương giúp Assad tắm máu quân nổi dậy để thống nhất Syria.

Vì sao Nga không cần chiến thắng cuối cùng ở Syria??? - Hình 2

Moscow nắm được Iran tạo hiệu ứng kép, gây nguy hại cho Washington. Ảnh : Newsweek

Do vậy ai đó nhận định Nga và quân chính phủ không thể có chiến thắng cuối cùng trên chiến trường tại Syria là không hiểu mục đích việc Moscow xuất hiện tại Syria. Có thể nhận diện Moscow chỉ cố gắng tạo ưu thế quân sự, từ đó tạo ra lợi thế về chính trị cho Assad khi bàn cờ chính trị của Syria đi vào hồi kết. 

Khi Moscow đơn phương ngừng bắn tạo hành lang nhân đạo và thực hiện “đắc nhân tâm” thì người ta nhắc đi nhắc lại vì Nga sa lầy và phải xuống nước để lấy lòng đối phương, qua đó tìm lối thoát cho mình. Tuy nhiên, người viết luôn cho rằng những dấu hiệu của một sự sa lầy quân sự không xuất hiện trong việc can thiệp của Nga tại Syria, dù tấn công hay ngừng bắn.

Còn ai đó nhận định khả năng của nước Nga quá nhỏ so với tham vọng của Moscow tại Trung Đông là không chuẩn xác. Người viết luôn bảo vệ quan điểm Nga không thế hiện tham vọng nước lớn tại Trung Đông, song những nước đi của Putin đang rất hiệu quả.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO – đã là đối tác chiến lược của Nga và đang mở rộng lỗ hổng NATO. Không thể phủ nhận đó là chiến thắng rất lớn của Moscow và là mất mát lớn của phương Tây.

Iran – một kẻ thù bị Washington tước mất bảo bối “chương trình phát triển vũ khí hạt nhân” – tưởng chừng sẽ là một đối tác tiềm năng trong việc kiềm chế tham vọng "bá chủ Trung Đông" của Arabia Saudi thì đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow. Có được Iran là một nước cờ cao của Putin khiến Washington không thể nắm được Teheran và cũng tuột luôn Riyadh.

Cả ba nước lớn với tham vọng "bá chủ Trung Đông" là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arabia Saudi đang ngày càng “xa Mỹ gần Nga”, Washington hiện ảnh hưởng chỉ còn đạo diễn tại Iraq hỗn loạn và đang bị IS hoành hành. Song nếu tiền bạc và vũ khí Mỹ không cung cấp đầy đủ và kịp thời thì một ngày không xa Bagdad cũng sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington.

Mỹ đang phải tạo thế cờ cho người Kurd để hy vọng có thể vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông trong tương lai. Điều đó chứng tỏ Washington đã mất dần tầm ảnh hương tại Trung Đông, chứ không phải Moscow không đủ tầm của nước lớn tại vùng đất nóng này.

Ngọc Việt (Đất Việt)