Thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy diễn ra chiều 5/8 cho biết: So với năm 2023, số lượng nguyện vọng xét tuyển mà thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên tăng 61%, lĩnh vực an ninh quốc phòng tăng 46,5%, những ngành liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn tăng 30%...
Đặc biệt, khối ngành sư phạm có số lượng nguyện vọng tăng mạnh nhất, 85% (khoảng 200.000 nguyện vọng) và trở thành một trong 4 khối ngành tập trung nhiều nguyện vọng xét tuyển nhất năm nay (cùng với kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính). “Sự lựa chọn của người học có thay đổi do được tư vấn kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp và ngành học. Thông tin thị trường lao động cũng sát, nên xu hướng lựa chọn ngành học, chương trình học thể hiện nguyện vọng và tâm lý của các em cho thấy sự tích cực”, ông Sơn đánh giá.
Lý giải về hiện tượng "tăng khủng" này, thạc sỹ Lê Phan Quốc - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng, có thể có một số nguyên nhân dẫn đến nguyện vọng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên tăng. "Thứ nhất, Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có tác động ngày càng lớn tới sự lựa chọn của thí sinh. Thứ hai, trong thời gian qua, những thông tin về việc cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng khiến cho thí sinh và phụ huynh rất quan tâm", ThS Quốc nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo ông Quốc, điểm chuẩn các ngành sư phạm ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây và năm 2024 điểm sàn xét tuyển của khối ngành này tại nhiều trường cũng tăng, có những ngành lên tới 24 điểm. Ông Quốc cho rằng điều này khẳng định năng lực và giá trị của người theo học khiến nhiều thí sinh có mức điểm ở top trên hoặc cận trên có tâm lý muốn đăng ký xét tuyển. "Thêm một nguyên nhân nữa, thông tin về việc từ 1.7 bắt đầu tăng lương cơ sở đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có giáo viên, cũng là động lực để các em chọn ngành sư phạm", Thạc sỹ Quốc cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong năm 2024, một số lĩnh vực giảm như kinh doanh quản líý giảm 3% (giảm 24.000 nguyện vọng); lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin giảm do chững lại ở một số ngành liên quan, mức giảm gần 5% (tương đương 15.000 nguyện vọng) và dịch vụ vận tải giảm 20% (tương đương 77.000 nguyện vọng).
Với các ngành thuộc lĩnh vực STEM (Khoa học, Kĩ thuật, Công nghệ và Toán), tỷ lệ đăng ký nguyện vọng chiếm 30%, vẫn giữ mức độ tốt về nhu cầu học. Ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn đã có mức tăng trưởng đáng kể, theo ông Sơn đánh giá điều đó cho thấy, thí sinh rất nhạy bén và nắm bắt được xu hướng phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có những số liệu chính xác hơn, còn phụ thuộc vào kết quả xét tuyển đào tạo, khi mà thí sinh xác nhận nhập học và đi học.
Hôm qua, kết thúc thời gian nộp lệ phí xét tuyển đại học (ĐH) đợt 1 năm 2024. Thí sinh đợi đến ngày 17/8, khi kết thúc lọc ảo, các trường công bố điểm chuẩn rồi thực hiện việc xác nhận nhập học.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay năm nay, nhóm lọc ảo khu vực phía Bắc vẫn do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Số trường tham gia là 60 trường. Dữ liệu nguyện vọng của thí sinh được Bộ GD&ĐT chuyển về cho 2 nhóm lọc ảo miền Nam, miền Bắc để làm sạch. Do đó, tổng số lần lọc ảo ở nhóm miền Bắc là 20 lần.
Từ ngày 13/8, các nhóm lọc ảo Nam - Bắc sẽ chạy song song với quá trình lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Theo ông Hải dự kiến, khoảng 15h-16h ngày 17/8, quá trình lọc ảo tại nhóm trường miền Bắc kết thúc. ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển dữ liệu cho các trường trong nhóm. ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn vào chiều tối ngày 17/8.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến công bố điểm chuẩn ngay sau khi Bộ GD&ĐT trả kết quả lọc ảo cuối cùng.
Minh An (t/h)