Từ con số 2 triệu USD năm 1988, vốn FDI “đổ” vào Việt Nam đã lên đến 524 tỷ USD ghi nhận cuối năm 2022. Với hơn 36.000 dự án FDI đang hoạt động, Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài.
Nguồn vốn FDI dồi dào mang đến cho Việt Nam một hình ảnh mới trên “bản đồ” thương mại. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều này được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam.
Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng nhanh chóng, từ mức 30% vào năm 1997 - khi Việt Nam gia nhập ASEAN lên 65% giai đoạn 2011-2015, khoảng 71% giai đoạn 2016-2020 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Thêm vào đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong năm 2022 đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 273,63 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021 và chiếm 73,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2022 đạt 233,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2021, chiếm 65% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI năm 2022 lên mức thặng dư 40,42 tỷ USD.
Khu vực FDI chiếm ưu thế trong giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI tại đất nước hình chữ S và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp này vào nền kinh tế Việt Nam.
Vai trò của khu vực FDI thêm quan trọng, nhất là trong việc nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một trong những hạn chế lớn nhất trong hành trình này là sự thiếu liên kết giữa nhóm doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp FDI.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận thấy, sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam chủ yếu hình thành liên kết với một số doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên kết dọc, bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi.
Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu để thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.
Trong các dự án FDI, hình thức nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 13%, còn lại đều là 100% vốn ngoại, cho thấy rõ việc doanh nghiệp chưa thể theo chân “đại bàng” để cất cánh.
Để vừa thu hút và thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI, cần chú ý bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động cho doanh nghiệp trong nước; nhấn mạnh việc thiết lập liên kết vùng. Việc tạo ra sự kết nối giữa các vùng đang trở thành biện pháp quan trọng thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tiếp đó là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Trong đó, Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, bao gồm các thỏa thuận mua bản quyền, phát minh hoặc thương quyền…
Cuối cùng, cần tập trung hoàn thiện chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gắn với kết nối sản xuất và cung ứng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài.
PV/Báo Quốc tế