THCL Gần 5 năm trôi qua, 80 tỷ đồng tiền bảo lãnh của NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Hà Nội đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên dường như bị lãng quên - uy tín và giá trị thương hiệu bị coi rẻ chỉ bởi cái lý “không trình chứng thư bảo lãnh gốc”?

Tiền bạc và giá trị thương hiệu

Theo đó, Hợp đồng mua bán thép số 05/GT-HN, ngày 01/01/2011 giữa Công ty TNHH TM và Xây dựng Hà Nam (viết tắt là Công ty Hà Nam) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Đối tác “uy tín” mà Công ty Hà Nam “chọn mặt gửi vàng” để bảo lãnh cho khoản tiền mua thép là VIB - Hà Nội.

Trên cơ sở các đơn yêu cầu cấp bảo lãnh của Công ty Hà Nam, VIB - Hà Nội đã phát hành 6 thư bảo lãnh cho Công ty Hà Nam với tổng số tiền là 250 tỷ đồng và người nhận bảo lãnh là Tisco. Tin tưởng thư bảo lãnh thanh toán của NH, Tisco xuất hàng bán cho Công ty Hà Nam.

Tuy nhiên, gần đến ngày hết hiệu lực của 02 trong 6 thư bảo lãnh cần phải thanh toán số:10.11.11.BL342 (có thời gian bảo lãnh từ ngày 22/10/2011 đến 16 giờ ngày 22/01/2012) và Thư bảo lãnh thanh toán số: 10.11.11.BL326 (có thời hạn bảo lãnh từ 16 giờ ngày 06/10/2011 đến 16 giờ ngày 06/01/2012), ngày 04/01/2012, Tisco đã cử người đại diện xuống làm việc với VIB - Hà Nội, xuất trình công văn do Phó TGĐ Hoàng Văn Tòng ký đề nghị VIB - Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho Công ty Hà Nam theo như cam kết của 02 thư bảo lãnh thanh toán trên cho Tisco.

Làm việc với đại diện của Tisco, bà Trần Thu Nga, GĐ VIB - Hà Nội và GĐ Phòng khách hàng DN I Nguyễn Anh Tuấn đã lập biên bản làm việc. Trong đó, ghi rõ: “VIB - Hà Nội đã làm việc với Công ty Hà Nam và Công ty Hà Nam thông báo đã làm việc với Tisco và lộ trình thanh toán. VIB - Hà Nội sẽ tiếp tục phát hành bảo lãnh cho Công ty Hà Nam khi DN này ký hợp đồng nguyên tắc mua bán với Tisco năm 2012. Lộ trình thanh toán cho Tisco, VIB - Hà Nội làm việc với Công ty Hà Nam trước khi có lộ trình thanh toán cụ thể cho Tisco”.

Tuy nhiên, kết thúc buổi làm việc, Tisco không quên yêu cầu đại diện phía NH ký xác nhận vào CV số 05/GTTN-KTTC, ngày 04/01/2012 đề nghị ghi rõ “Đã nhận CV và bản sao thư bảo lãnh gốc, ngày 4/01/2012”, GĐ Phòng khách hàng DN I ký xác nhận và đóng dấu.

Ai sẽ còn tin vào VIB?

Tin tưởng vào lời hứa của VIB - Hà Nội, quá thời hạn thanh toán, một lần nữa (tức ngày 17/02/2012), Tisco cử đại diện xuống làm việc với VIB - Hà Nội về việc Công ty Hà Nam đã vi phạm Điều 5 khoản 5.2 của Hợp đồng số 05/GT-HN ngày 01/01/2011 về thời hạn thanh toán và Điều 6 khoản 6.3 về thời gian hiệu lực của một số khoản nợ bảo lãnh đã hết hiệu lực”.

Tisco yêu cầu VIB - Hà Nội về mặt nguyên tắc khi khách hàng không thanh toán thì VIB - Hà Nội phải thanh toán theo cam kết của thư bảo lãnh.

Do đã biết trước được Công ty Hà Nam sẽ không có khả năng trả nợ Tisco nên VIB - Hà Nội lật bài ngửa buộc các bên vào tình thế đã rồi “đề nghị tất cả các bên giúp đỡ Công ty Hà Nam về cơ chế chính sách để DN tiếp tục hoạt động, phát triển để có điều kiện thanh toán nợ cho Tisco và VIB - Hà Nội”.

Bẫy đã sập, cho dù những nguyên liệu, Tisco chưa thực sự cần thiết, nhưng vẫn buộc phải mua phôi thép, than mỡ, thép phế... của Công ty Hà Nam để khấu trừ khoản nợ.

Sau khi đã đối trừ công nợ, số tiền 80 tỷ đồng còn lại của Công ty Hà Nam còn nợ Tisco, VIB - Hà Nội cố tình quên đi trách nhiệm phải thanh toán bảo lãnh. Phải chăng, VIB - Hà Nội đang lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt số tiền bảo lãnh phải trả cho Tisco - tiền vốn của Nhà nước, đồng tiền công sức của gần 6.000 công nhân lao động trực tiếp, hàng vạn lao động gián tiếp trên khắp mọi miền Tổ quốc?

Theo ông Bùi Trọng Đường, Phó trưởng phòng KTTK&TC, đại diện Tisco khẳng định: VIB - Hà Nội đã từ chối trách nhiệm phải thanh toán bảo lãnh việc mua hàng của Công ty Hà Nam cho Tisco với lý do không trình chứng thư bảo lãnh gốc.

Qua sự việc trên cho thấy, uy tín và giá trị thương hiệu của VIB Việt Nam, đã bị VIB - Hà Nội coi rẻ (?!). Tiền vốn của Nhà nước rơi vào túi ai, đề nghị các cơ quan chức vào cuộc làm rõ

Ngô Tiến