Theo nghiên cứu của Facebook & Banin Company, trong hai năm qua, số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng đáng kể, đạt khoảng 70 triệu người tính đến thời điểm hiện tại.
Trên quy mô khu vực, 70% tổng dân số ở Đông Nam Á đã bắt đầu mua sắm trực tuyến trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á dự kiến tăng đến con số 380 triệu trước năm 2026.
Trong đó, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới đang tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, thống kê của Statista cho thấy tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.
Việt Nam tất nhiên không đứng ngoài xu hướng này.
Theo một báo cáo công bố mới đây của Ninjavan Group – công ty logistics hàng đầu thị trường, vận hành ở 6 quốc gia Đông Nam Á - Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng mua hàng trực tuyến với 104 đơn hàng mỗi năm. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của khu vực là 66 đơn hàng.
Đáng chú ý, 59% số người được hỏi cho biết họ đã nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Con số này chỉ thấp hơn Singapore (60%), và cao hơn so với Thái Lan (53%), Indonesia (52%). Malaysia (48%) và Philippines (42%).
Việc người Việt yêu thích mua sắm online còn thể hiện ở nhiều chỉ số khác. Chẳng hạn, Việt Nam hiện chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan (16%) và ngang bằng Philippines.
Theo Statista, trước năm 2025, Việt Nam sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
- Q.N (T/h)