Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đang cân nhắc áp dụng “thuế quan linh kiện”— tức là đánh thuế nhập khẩu không dựa trên địa điểm lắp ráp cuối cùng mà dựa trên các linh kiện bên trong. Nếu chuyển sang thuế quan dựa trên linh kiện, các con chip sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế, bất kể thiết bị được lắp ráp ở đâu. Điều này có nghĩa một thiết bị lắp ráp tại bất kỳ đâu nhưng có sử dụng linh kiện của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn nếu xuất khẩu sang Mỹ. 

Chính sách này có thể khiến Việt Nam, nơi hiện đang là một điểm đến quan trọng cho hoạt động lắp ráp thiết bị điện tử, trở thành một mục tiêu trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ, dưới thời ông Donald Trump, cũng từng hợp tác với Chính phủ Hà Lan để ngăn việc bán máy in thạch bản tiên tiến cho Trung Quốc, và Tổng thống Joe Biden đã mở rộng thêm những hạn chế này.  

Đồ điện tử lắp ráp tại Việt Nam dùng linh kiện Trung Quốc sẽ bị Mỹ áp thuế mới?
Đồ điện tử lắp ráp tại Việt Nam

Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát hiện hành, vậy có khả năng chính quyền mới dưới thời tân Tổng thống Donald Trump sẽ một lần nữa “vá kín” các lỗ hổng để ngăn cản sự tiếp cận của Trung Quốc với những công nghệ mới.

Tính đến hết tháng 7, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất chủ yếu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,19 tỉ USD, tăng 50,8% (tương ứng tăng 4,45 tỉ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 11,15 tỉ USD, tăng 19,9% (tương ứng tăng 1,85 tỉ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,49 tỉ USD, tăng 31,9% (tương ứng tăng 1,57 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Việc áp thuế linh kiện chip của Trung Quốc, dù được lắp ráp ở đâu, có thể khiến các quốc gia như Việt Nam, nơi các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử lớn của Trung Quốc đặt cơ sở, gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế về chi phí sản xuất.

Các sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam nhưng sử dụng linh kiện từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương mại giữa hai quốc gia.

Trước đó, trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018, các mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, để tránh các loại thuế mới. Điều này đã mang lại một làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào Việt Nam, khi các công ty Mỹ và các công ty quốc tế muốn duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ mà không phải chịu mức thuế cao. Các ngành như điện tử, dệt may, và gia công cơ khí của Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ sự chuyển dịch này.

Một ví dụ nổi bật là IBE Electronics hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, đã quyết định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2019. Bà Angel Xu, người sáng lập công ty, cho biết việc lựa chọn Việt Nam giúp công ty này tránh mức thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Nhà máy của IBE tại Bắc Ninh hiện có khách hàng lớn như Tesla và có thể chuyển đổi nhanh chóng trong vòng sáu tháng để tránh các chi phí thuế quan cao.

Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư nước ngoài nhờ vào việc các công ty tìm cách tránh thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót gần 4,5 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2023, tăng 78% so với năm trước. Xuất khẩu linh kiện điện tử và máy tính của Việt Nam sang Mỹ cũng đạt trên 13 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Việc ông Donald Trump đưa ra đề xuất áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ và 60% đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nước xuất khẩu. Chiến lược thương mại của ông có thể dẫn đến những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm giải quyết các vấn đề về thâm hụt thương mại của Mỹ, trong đó có thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ - đạt mức cao thứ tư sau Trung Quốc, Mexico và Canada, với giá trị lên đến khoảng 100 tỷ USD vào năm ngoái.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể khiến Việt Nam trở thành đối tượng tiềm năng cho các biện pháp áp thuế hoặc điều tra chống phá giá từ phía Mỹ. Chính sách thương mại bảo hộ này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, điện tử và đồ nội thất, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo, nếu Mỹ quyết định áp thuế hoặc áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn, điều này sẽ gây ra áp lực lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. 

Thiên Trường