Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu lương thực thực phẩm - Hình 1

Ảnh minh họa

Một số lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm được đánh giá có tiềm năng thị trường rất lớn phải kể đến là ngành sản xuất sữa, bánh kẹo, dầu ăn, nước giải khát…

Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, đến năm 2020, ngành sản xuất sữa được dự báo tăng đạt mức 28 lít/người/năm.

Còn với lĩnh vực bánh kẹo sẽ duy trì mức tăng trưởng 10%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của các nước trong khu vực, vốn được dự báo tăng 3%/năm. Với ngành nước giải khát sẽ tăng trưởng mạnh, từ 4,8 tỷ lít hiện nay lên 6,8 tỷ lít và bánh kẹo gia tăng từ mức 17kg/người hiện tại lên 20kg/người…

Không dừng ở thị trường trong nước, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam còn có cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu với rất nhiều lợi thế. Tính đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 13 hiệp định thương mại tự do, nâng số quốc gia và vùng lãnh thổ có giao dịch thương mại với Việt Nam lên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo bà Phạm Thị Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), chỉ tính riêng Hiệp định đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cho Việt Nam thị trường xuất khẩu rộng lớn với 500 triệu dân và quy mô thị trường chiếm 13,5% GDP toàn cầu.

Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Cũng theo Bộ Công thương, với riêng từng thành viên Hiệp định CPTPP, mức kim ngạch bình quân đạt hơn 6,7 tỷ USD/thị trường.

Không những thế, tại các thị trường xuất khẩu, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã dần đạt được chỗ đứng nhất định. Vấn đề còn lại là Bộ Công thương nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu sản phẩm, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô để từng bước gia tăng giá trị nông sản, thực phẩm xuất khẩu. 

Thanh Bình