Có được sự tăng trưởng ấn tượng này là nhờ chính sách thị thực thuận lợi của Việt Nam và các chiến dịch quảng bá du lịch của các doanh nghiệp và địa phương. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thu hút lượng lớn khách châu Âu trong mùa du lịch thấp điểm.

Ông Ben Chang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Starlux Airlines chi nhánh Việt Nam đánh giá: "Việt Nam đang tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, đồng thời không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, các thắng cảnh du lịch, đổi mới sản phẩm du lịch nên mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 là rất khả thi".

Mặc dù có sự tăng trưởng, Việt Nam vẫn sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để thu hút du khách quay trở lại. Trang tin The Star cho biết một khách du lịch nước ngoài chi tiêu nhiều hơn 7 lần so với một khách du lịch trong nước. Vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường các dịch vụ du lịch để thu hút chi tiêu cao hơn từ du khách, cải thiện chính sách thị thực và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo để giữ chân khách quốc tế.

Ông Steven Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoiana Resort & Golf nhận định: "Việt Nam có thể thể thu hút nhiều du khách với mô hình du lịch MICE, hấp dẫn các đối tượng doanh nhân đi công tác. Vừa tham gia các cuộc họp, vừa trải nghiệm sự quyến rũ và ẩm thực Việt Nam. Kết hợp kinh doanh với nghỉ ngơi, tôi nghĩ đây là công thức tuyệt vời để thị trường tiếp tục phát triển. Ngoài ra còn nhiều mô hình du lịch nữa cũng rất tiềm năng, chẳng hạn như du lịch golf hiện đang thu hút sự quan tâm của du khách Hàn Quốc".

Một thị trường tiềm năng trong tương lai đối với Việt Nam là thị trường tỷ dân Ấn Độ. Các du khách Ấn Độ đang chuyển hướng sở thích sang các điểm đến dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và có sự phong phú về văn hóa. Vì vậy, du khách Ấn Độ đang thể hiện nhu cầu du lịch mạnh mẽ đối với các điểm đến như Gruzia, Uzbekistan, Azerbaijan và Việt Nam.

Thu Trang(t/h)