Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng Việt Nam từ một nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu đã trở thành nước đang phát triển. Năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình, quy mô GDP đạt hơn 433 tỉ USD, xếp thứ năm trong khu vực ASEAN, thứ 35 trên thế giới; là nước đông dân thứ ba khu vực ASEAN và thứ 15 trên thế giới.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Chúng ta cũng đã đơn phương hoặc ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cạnh đó, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, du lịch cũng rất nhiều. Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực còn khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao nêu giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề cập đến vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và các giải pháp cải thiện tình hình nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn báo cáo trước phiên chất vấn của Bộ trưởng có nêu để thúc đẩy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và tương xứng với quan hệ ngoại giao ngày càng mở rộng, bên cạnh việc đã mở rộng cấp visa điện tử, Việt Nam cũng đã miễn thị thực cho 28 nước.
Như vậy, 15 nước miễn song phương và 13 nước miễn đơn phương, Đại biểu so sánh với các nước trong khu vực có chiến lược thu hút khách du lịch tương đương như Việt Nam: Singapore miễn cho 164 nước, Malaysia miễn cho 162 nước, Philippines miễn 157 nước, Thái Lan miễn 64 nước.
"Rõ ràng sẽ có sự cạnh tranh rất mạnh", Đại biểu Cường gợi mở "có nên chủ động miễn thị thực cho công dân của các nước phát triển cao, có thu nhập tốt, có tỷ lệ tội phạm thấp, trở thành nước được đơn phương miễn visa hay không".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chưa bao giờ các nước trên thế giới quan tâm, tăng cường thăm, thúc đẩy du lịch với Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hiệu quả, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như hiện nay.
Cạnh đó, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn ra nước ngoài du lịch hoặc vừa để làm ăn, du lịch...
Từ thực tế trên, Bộ Ngoại giao đã thực hiện ba biện pháp để thúc đẩy giao lưu quốc tế. Trong đó có việc phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài, cũng như đồng bào ta từ nước ngoài về nước.
Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh công dân Việt Nam và nước ngoài, trong đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi như mở rộng thời gian lưu trú, tăng cường cấp visa du lịch… Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị tiếp tục gia hạn miễn thị thực. “Vừa rồi thăm Úc, các bạn Úc đánh giá cao chúng ta triển khai visa du lịch rất thuận tiện cho nước ngoài” - ông Bùi Thanh Sơn nói.
Việt Nam cũng đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước. Đây là những địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương. Như vậy, chúng ta có 28 nước mà công dân có thể đi lại được với nhau.
Hiện Bộ Ngoại giao đang đàm phán với 80 nước để miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Theo Bộ trưởng, phát triển du lịch là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Muốn phát triển du lịch phải có nhiều yếu tố, trong đó thị thực là một mắt xích quan trọng. Sau khi sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, công dân nước ngoài và Việt Nam đều được tạo nhiều điều kiện thông thoáng.
Bộ ngoại giao đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu diện miễn thị thực thời gian tới.
Kim Khánh (t/h)