Ngày Đổi mới sáng tạo Mở - OID là chương trình thường niên lớn nhất tại TP.HCM. Năm nay, Ngày Đổi mới sáng tạo Mở 2024 (Open Innovation Day 2024 – OID 2024) được tổ chức ngày 25/10/2024 bởi Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) phối hợp cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo mở - SoiHub, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Qualcomm Việt Nam, Business Finland và nhiều đối tác khác, bảo trợ bởi Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN.

OID 2024 có chủ đề “TECHTRAVERSE 2024: Thu hẹp khoảng cách công nghệ, Nâng cao chuỗi giá trị”, gồm các hội thảo chuyên đề về thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo và Tái chế, Bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Nông nghiệp bền vững, Giao thông vận tải xanh gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc OID 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR), ông Võ Văn Hoan, nhận định: “Với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, cơ quan nhà nước, các bên liên quan trong ngành, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp, Ngày Đổi mới Sáng tạo Mở 2024 sẽ mang đến những giải pháp đột phá giúp xóa bỏ rào cản chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, và nâng cao vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) phát biểu tại sự kiện.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) phát biểu tại sự kiện.

Tại hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo” trong khuôn khổ “Ngày đổi mới sáng tạo mở 2024” các chuyên gia đã nhận định Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành những ngành công nghệ cao chủ lực.

Công nghiệp bán dẫn (semiconductor) và trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là bộ đôi chìa khóa công nghệ cho tương lai tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hai ngành này là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù, Việt Nam là nước đi sau trong cuộc đua bán dẫn và AI, nhưng được đánh giá là có tiềm năng to lớn và hội tụ đủ các điều kiện để nhanh chóng phát triển hệ sinh thái bán dẫn cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

AI được đánh giá là một trong những công nghệ quan trọng sẽ định hình tương lai nhân loại
AI được đánh giá là một trong những công nghệ quan trọng sẽ định hình tương lai nhân loại

Theo PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng: “Việt Nam có 4 lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Thứ nhất là Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh. Thứ hai là chi phí nhân công của Việt Nam rất cạnh tranh nếu so với các nước khác trong khu vực. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba là Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi, kết nối được dễ dàng tới nhiều thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu. Và cuối cùng là Việt Nam có một chế độ chính trị rất ổn định”.

Còn theo PGS TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính Phủ, Tổng thư ký FISU Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam trong vài năm vừa qua đã phát triển AI với một tốc độ rất nhanh. Có một số chỉ số trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan cho thấy, Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về tính sẵn sàng cho AI trong chính phủ. Việt Nam cũng đứng thứ 71 thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về chính phủ điện tử. Về chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới”.

Hoàng Hà