Kinh tế đại dương toàn cầu hiện đóng góp khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới. Ở Việt Nam, kinh tế biển dự kiến sẽ đóng góp tới 10% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng cao... do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững.
Ngày 12/05, tại Hội nghị Quốc tế Kinh tế đại dương bền vững thích ứng với Biến đổi khí hậu do Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì tại Hà Nội, báo cáo đầu tiên về kinh tế biển của Việt Nam đã được công bố.
Báo cáo có tên "Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển" nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế biển bền vững, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 36/NQ-TW về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo gồm 06 ngành kinh tế biển chính là: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.
Trong các kịch bản kinh tế biển, kịch bản xanh lam được xây dựng với mục đích tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Nghiên cứu cho thấy, kịch bản xanh lam đem lại lợi ích cao hơn các kịch bản cơ sở về GDP và thu nhập trên đầu cho tất cả các ngành.
Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, nhiều ngành kinh tế biển lớn bị ảnh hưởng lớn, lao động làm nghề biển quy mô nhỏ bị tác động lớn nhất, điều cần thiết lúc này là thúc đẩy phục hồi kinh tế biển một cách bền vững và công bằng.
Báo cáo này đưa ra các khuyến nghị về cách Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ hành tinh và không ai bị bỏ lại phía sau.
Trúc Mai