Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để phát triển có hiệu quả kinh tế biển, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2016, khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 22/10/2018 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương; chương trình biển Đông, hải đảo cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN); kế hoạch phát triển kinh tế ven biển duyên hải miền Trung..., từ đó triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh này có 7.234 tàu cá với 26.616 lao động; nghề chủ yếu là lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu và dịch vụ hậu cần; ngư trường chính ở ven bờ và Vịnh Bắc bộ.

Ngoài ra, có gần 1.000 phương tiện tỉnh ngoài thường xuyên hoạt động và cư trú dài ngày trên vùng biển của tỉnh. Để quản lý chặt chẽ người, phương tiện nghề cá, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, tổ chức quản lý đến từng gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và phương tiện.

Qua đó, nắm chắc ngành nghề, ngư trường khai thác, tần số, thiết bị liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, trang bị an toàn... phục vụ công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân. Hàng năm, chỉ đạo các ngành kiểm tra bổ sung đầy đủ kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật, thường xuyên yêu cầu chủ tàu bổ sung trang thiết bị còn thiếu, thay thế trang thiết bị cũ, hỏng để thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Các xã, phường ven biển đã được đầu tư hạ tầng, mạng lưới cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc; hướng dẫn các chủ phương tiện đăng ký, sử dụng thiết bị vô tuyến điện sóng ngắn tầm xa HF để kết nối thông tin với 36 trạm vô tuyến điện phát sóng ở bờ (VHF, HF) nhằm duy trì trực canh thông tin liên lạc với tàu thuyền hoạt động trên biển, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo an toàn cho ngư dân. Từ năm 2016 đến nay đã thông báo cho 839 tàu cá hoạt động trên biển nắm sự cố, tai nạn để tham gia ứng cứu.

Song song đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá và PCTT giai đoạn 2016-2020 với số kinh phí là hơn 449 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 152 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 36 tỷ đồng, vốn vay là ODA 260 tỷ đồng để xây dựng cảng cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Hải Châu (thị xã Nghi Sơn), khu neo đậu tránh, trú bão sông Lý (Quảng Xương), nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, nạo vét khu neo đậu trú bão Lạch Hới (TP Sầm Sơn), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và các dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Trong thời gian tới, để đảm bảo cho ngư dân yên tâm hoạt động trên biển, các ban, sở, ngành, các lực lượng và các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân về chủ quyền biển, đảo; các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến chủ quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết; các văn bản pháp luật về biển đảo, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên sinh vật, bảo vệ môi trường biển và phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi, bám biển trên ngư trường Việt Nam, đặc biệt không sang vùng biển nước ngoài, vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ khai thác hải sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản.

Hoài Thu