Theo công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), nhà mạng này đã nghiên cứu thành công Chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính/giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với thiết bị của nhiều hãng cung cấp dịch vụ toàn cầu.
Với việc hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, Việt Nam lọt vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Ở trong nước, dịch vụ 5G của Viettel đã được triển khai thử nghiệm với khoảng 500 trạm tại 63 tỉnh/TP. Viettel cũng đã triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.
Trước đó, hệ thống 5G Private do Viettel nghiên cứu, chế tạo, cung cấp cũng được chuyển giao cho QuadGen - nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hạ tầng mạng lưới viễn thông tại thị trường Ấn Độ. Hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Viettel đã cùng Quadgen ra mắt hệ thống 5GP với các sản phẩm thiết bị đầy đủ cả 3 phân lớp mạng là mạng truy nhập vô tuyến (trạm gốc Macro, Micro, AIO), mạng truyền dẫn 100G, mạng lõi 5GC. Đây là hợp đồng xuất khẩu hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam ra thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào năm 2024 với việc thực hiện đấu giá băng tần vào đầu năm nay. Đây cũng là kỳ vọng của các nhà mạng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Di động của Viettel Telecom, thế giới có hơn 260 nhà mạng triển khai 5G. Ở Việt Nam, sau thời gian thử nghiệm, doanh nghiệp đã có đủ cơ sở đánh giá về chất lượng hạ tầng mạng lưới, hiệu quả, phương án kinh doanh. Do vậy đây là thời điểm chín muồi cho câu chuyện đấu giá tần số để các doanh nghiệp cung cấp 5G thời gian tới.
Ông Sơn cho biết, Viettel đã thử nghiệm ở hầu hết tỉnh thành, với hơn 1 triệu lượt trải nghiệm. Hầu hết khách hàng đều cảm nhận rõ rệt tốc độ 5G mang lại. Nhà mạng này cũng đã chuẩn bị cho 5G từ sớm, trong đó đội ngũ nghiên cứu của Viettel cơ bản tự chủ động sản xuất được từ thiết bị vô tuyến, mạng lõi, truyền dẫn,.., chỉ chờ giấy phép để triển khai trên hạ tầng Việt Nam.
Về lộ trình triển khai 5G, đại diện Viettel chia sẻ, nhà mạng này sẽ lựa chọn triển khai sớm ở khu vực có nhu cầu cao, nhiều thiết bị hỗ trợ 5G. Bên cạnh đó ưu tiên các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Hà Trần(t/h