Thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đăng ký niêm yết gần 1,42 tỉ cổ phiếu, tương đương với mức vốn điều lệ 14.183 tỉ đồng.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5.2018, các cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên sàn TP.HCM.

Cổ phiếu Vietnam Airlines được niêm yết trên UPCoM với mã cổ phiếu HVN. Cổ phiếu này bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2017 với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh là 19.010 đồng). Sau nhiều biến động trong 2 năm niêm yết trên sàn này, hiện HVN khép lại giao dịch năm 2018 ở mốc 33.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).

Như vậy, dù đã giảm rất mạnh so với giá đỉnh hồi tháng 4 đầu năm, so với thời điểm niêm yết, cổ phiếu HVN vẫn tăng trên 70% giá trị.Vietnam Airlines sẽ chuyển sàn niêm yết sang HOSE - Hình 1

Vietnam Airlines sẽ sớm chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE (Ảnh: Việt Hùng)

Nếu giữ nguyên ở mức giá này khi chuyển sàn niêm yết, vốn hóa của Vietnam Airlines sẽ là gần 47.000 tỷ đồng. Con số này đủ giúp hãng hàng không có mặt trong top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Hiện vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đạt gần 46.818 tỉ đồng. Như vậy, sau gần 2 năm đăng ký giao dịch thì HVN sẽ “chuyển nhà” sang sàn TP.HCM. Tuy nhiên, theo kế hoạch ban đầu là chuyển sàn trong quý 3/2018 thì HVN đã chậm trễ.

Trước đó, trong tháng 11.2018, Bộ Giao thông vận tải đã chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines về cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cách đây một tuần, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công bố đã thực hiện mua 164,7 triệu cổ phiếu HVN khi công ty phát hành thêm cổ phiếu để tăng lượng sở hữu lên 1,22 tỉ cổ phiếu, tương ứng với 86,16% vốn.  Theo kế hoạch, nhà nước sẽ giảm sở hữu vốn tại Vietnam Airlines xuống 51% vào năm 2020.

Ngoài ra, năm 2016, ANA Holdings, công ty mẹ của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways đã chi khoảng 108 triệu USD để mua lại 8,77% vốn điều lệ Vietnam Airlines và vẫn giữ tỷ lệ đó đến nay.

Mới đây, cổ đông Nhà nước cũng quyết định chi ra hơn 1.647 tỷ đồng để mua lại hơn 164,7 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn của Vietnam Airlines.

Đây là số cổ phiếu nằm trong tổng 191 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ mà hãng này phát hành với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Phần lớn số tiền thu được từ đợt tăng vốn sẽ dùng để phát triển đội tàu bay trong giai đoạn đến năm 2019.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018, 9 tháng từ đầu năm, hãng hàng không này ghi nhận tổng cộng 73.504 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về lại giảm 13% cùng kỳ chỉ đạt 1.969 tỷ. Nguyên nhân đến từ việc Vietnam Airlines đã không còn ghi nhận doanh thu đột biến đến từ mảng kinh doanh khác ghi nhận trên báo cáo. Nhưng so mới kế hoạch lợi nhuận cả năm đặt ra khá dè dặt, hãng hàng không này vẫn vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.

Vietnam Airlines là hãng hàng không có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, hãng cũng sở hữu 51% tại Jetstar Pacific, một liên doanh hàng không giá rẻ cùng Tập đoàn Quantas của Úc. Tuy nhiên, Jetstar Pacific đã liên tục thua lỗ trong nhiều năm trở lại đây.

Hải Đăng