Ngày 23/11/2018, cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VTP. Dự kiến Viettel Post sẽ giao dịch hơn 41,3 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM từ ngày 23/11 tới, với giá chào sàn là 68.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi lên sàn, Viettel Post sẽ có 1.178 cổ đông, trong đó Tập đoàn Viettel nắm giữ 68,082% cổ phần.

Viettel Post chào sàn UPCOM với mã chứng khoán VTP giá 68.000 đồng/cổ phiếu - Hình 1

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2017 của Viettel Post tăng trưởng mạnh, đạt 4.030,645 tỷ đồng, tăng 37,64% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 213,531 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, hai con số này lần lượt đạt hơn 1.904 và 147 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu hợp nhất chỉ tăng 1,06% nhưng lợi nhuận trước thuế tăng tới 61,5%.

Với tỷ lệ cổ tức chi trả bằng tiền mặt duy trì ít nhất 15%/năm, gấp đôi lãi suất tiền gửi trung bình tại ngân hàng, cộng với tỷ lệ cổ phiếu thưởng, tính trung bình hàng năm các cổ đông của Viettel Post đều được nhận mức giá trị cộng thêm từ 20% - 30% so với số cổ phiếu gốc đang nắm giữ. So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu hợp nhất chỉ tăng 1,06%. Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng doanh thu bình quân của Viettel Post đạt 52,6%/năm.

Sở dĩ Viettel Post duy trì được mức chia cổ tức cao như vậy sau 9 năm chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, là do chiến lược phát triển kinh doanh tốt, kịp thời nắm bắt xu thế Thương mại điện tử trên nền tảng bưu chính truyền thống. Hơn nữa, Viettel Post sớm xác định các bước tiến trong tương lai, sẽ trở thành công ty Bán hàng và cung ứng chuỗi dịch vụ của hệ thống Logistics được ứng dụng hơn 90% công nghệ vào tất cả các công đoạn của quá trình vận hành. 

Được thành lập từ tháng 7/1997, ban đầu công ty này chỉ là một trung tâm phát hành báo chí có nhiệm vụ ban đầu là phục vụ các cơ quan Quân đội trong Bộ Quốc phòng. Nhưng tới năm 2006 đã trở thành một công ty với mô hình hạch toán độc lập. Tới năm 2009, Viettel Post chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu là 60 tỷ đồng.

Hiện nay thị trường dịch vụ chuyển phát đang có sự cạnh tranh của hàng loạt các tên tuổi lớn nhỏ như Vietnam Post, Giao hàng nhanh… Tuy nhiên trong năm 2016 dịch vụ này đã có 21,3% thị phần dịch vụ tại Việt Nam, năm 2017 ước tính khoảng 25,7%.

Công ty này cũng đang có mục tiêu chuyển dịch từ công ty giao nhận sang công ty bán hàng, từ công ty chuyển phát sang công ty logistics.  Ngoài ra, Viettel Post cũng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đầu tư phát triển dịch vụ chuyển phát ra thị trường nước ngoài, cụ thể là Campuchia và Myanmar. Đây là hai thị trường có tiềm năng phát triển về logistics và thương mại điện tử do nhu cầu thương mại điện tử và sử dụng dịch vụ vận chuyển của người dân đang tăng cao.

Phát biểu tại phiên chào sàn, ông Trần Trung Hưng – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Viettel Post cho biết sau khi lên sàn chứng khoán, Viettel Post sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong tất cả hoạt động của mình, không chỉ trong nước mà còn trên các thị trường quốc tế.

Trong đó, tập trung vào chuyển dịch từ công ty làm thuê cho các công ty nước ngoài sang công ty đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, từ chuyển phát sang công ty logistics, từ doanh nghiệp bưu chính truyền thống thành doanh nghiệp công nghệ bưu chính. Mục tiêu chiến lược của Viettel Post là “trở thành doanh nghiệp Logistics số 1 cho các công ty bán hàng tại Việt Nam”, hướng tới mục tiêu 500 triệu đô và 30 - 35% thị phần vào năm 2020.

Hải Đăng