Trong quý I/2025, tỉnh ghi nhận 6 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 21,95 triệu USD. Đồng thời, vốn đầu tư của 10 dự án FDI được điều chỉnh tăng thêm 51,3 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư thu hút trong quý lên 74,48 triệu USD, đạt 21,44% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính đến cuối quý I/2025, trên địa bàn tỉnh còn 477 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 8,5 tỷ USD, đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện trong quý đạt 116,75 triệu USD, tương đương 92,69% cùng kỳ năm trước. Lũy kế vốn thực hiện đến hết quý I vượt 5,1 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực.
Trong quý, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đóng góp ngân sách khoảng 6.209 tỷ đồng, tăng 16,45% so với cùng kỳ năm 2024, đồng thời tạo việc làm cho hơn 144 nghìn lao động.

Dự kiến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút khoảng 30 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, cùng với việc điều chỉnh vốn cho 30 dự án khác, tăng thêm khoảng 300 triệu USD. Vốn thực hiện dự kiến đạt 483,53 triệu USD, với 15-20 dự án đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu và việc Mỹ áp thuế 46% với nhiều mặt hàng Việt Nam từ đầu tháng 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, khiến Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng kém hấp dẫn hơn. Nhiều nhà đầu tư có thể cân nhắc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn.
Nhằm hướng tới mục tiêu thu hút hơn 800 triệu USD vốn FDI trong năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp đồng bộ. Các sở, ngành và cơ quan chức năng phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, rút ngắn thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp nhằm sẵn sàng quỹ đất thu hút dự án mới. Việc thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt các công trình lớn, cũng được coi là giải pháp then chốt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, công tác truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp cũng được tăng cường nhằm giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác tác động và xây dựng phương án ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường.
UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ “giấy phép con” và rà soát, sửa đổi các quy định đầu tư kinh doanh còn bất cập, nhất là với ngành nghề có điều kiện, theo đúng Nghị quyết số 02 năm 2025 về cải thiện môi trường kinh doanh.
Tỉnh cũng kiến nghị thúc đẩy đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế áp dụng cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời xây dựng lộ trình giảm thuế hợp lý giúp doanh nghiệp trong nước, đặc biệt tại Vĩnh Phúc, có thời gian thích ứng.
UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, như hoãn, giãn hoặc miễn giảm thuế GTGT, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh hoàn thuế GTGT cho các đơn hàng bị tác động. Ngoài ra, cần xem xét hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng, thông qua các gói vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh vay nhà nước.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để vận hành hiệu quả, giảm tải báo cáo cho địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn địa phương xây dựng chỉ số suất đầu tư trên diện tích đất và lao động làm cơ sở cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, doanh nghiệp cũng cần tích cực khai thác thị trường xuất khẩu mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chi Chi (t/h)