Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra trên 530 ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi buộc tiêu huỷ trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắc Lắk,... Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng Tám trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung thực phẩm, nhất là trong bối cảnh chỉ còn khoảng hơn 02 tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh.
Với quy mô đàn lợn gần 500.000 con lợn, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh tái phát ở một số địa phương nên giá lợn trong 1 tháng trở lại đây liên tục giảm mạnh, chỉ còn từ 51 - 52.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh chưa phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi lớn. Đến nay, các huyện, thành phố đã kết thúc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023, kết quả các chỉ tiêu tiêm phòng các loại vắc xin: Lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh... cho đàn gia súc đều đạt cao, bảo đảm miễn dịch quần thể cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi lại đạt thấp và các hộ chăn nuôi lợn chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi trên diện rộng rất cao.
Đại diện Cục Thú y cảnh báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những địa phương phát triển về chăn nuôi không quan tâm, triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Để khống chế và đẩy lùi dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương, đặc biệt là người chăn nuôi cần khẩn trương đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời, hướng tới chăn nuôi an toàn để xây dựng theo chuỗi không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn bảo đảm các yếu tố an toàn hướng tới xuất khẩu.
Thời điểm này, thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ xuống thấp làm giảm sức đề kháng trên đàn vật nuôi, việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hết sức quan trọng.
Hiện, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh về phòng, chống dịch. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, lĩnh vực cơ quan mình phụ trách.
Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi để phát hiện sớm, báo cáo và có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết, giấu dịch, chậm khai báo làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; huy động các nguồn lực địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh và dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi lợn về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và sử dụng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn, đặc biệt là vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác.
Đức Nam