Tạo môi trường thông thoáng đón làn sóng đầu tư mới

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi, tuy nhiên, cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, toàn tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Phát triển công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động các nhóm ngành công nghiệp- dịch vụ. Ảnh: Nguyễn LượngPhát triển công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động các nhóm ngành công nghiệp- dịch vụ

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm; bảo đảm chính sách xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Năm 2021, tỉnh tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid- 19, tiếp tục duy trì tinh thần “chống dịch như chống giặc”; khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm các chế độ an sinh xã hội...

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội...

Về nhiệm vụ năm 2021, tỉnh tập trung tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để đón đầu làn sóng đầu tư mới; đảm bảo tính khả thi để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm 2021 từ 8,5 - 9%; chỉ đạo rà soát đánh giá tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là dự án trọng điểm; tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch nội địa đến Vĩnh Phúc; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương và có đủ căn cứ pháp lý.

Về đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, cần quan tâm tới đầu tư các dự án giao thông tạo ra động lực phát triển kinh tế; phân bổ vốn đầu tư nâng cấp hệ thống trường tiểu học và THCS; cơ sở y tế cấp huyện; các dự án công viên cây xanh tại các đô thị; đánh giá hiệu quả hoạt động của 3 Ban quản lý dự án chuyên ngành.

Về phân bổ vốn đầu tư công, có phương án phân bổ ngân sách cụ thể đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh tình trạng giải ngân nguồn vốn chậm và chuyển nguồn cao.

 Giải bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), thời gian qua, cùng với những bước phát triển quan trọng về kinh tế, xã hội, cơ cấu lao động của tỉnh cũng được chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động các nhóm ngành công nghiệp-dịch vụ. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm bền vững, cải thiện điều kiện sống của người lao động, thúc đẩy kinh tế, xã hội, phát triển theo hướng hiện đại.

Để giải bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động các nhóm ngành công nghiệp- dịch vụ, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thu hút đầu tư, mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp, nhằm đưa lực lượng lao động khu vực nông nghiệp sang làm việc tại các khu vực kinh tế công nghiệp, dịch vụ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 KCN đã được thành lập, cấp giấy chứng nhận đầu tư phát triển hạ tầng, với tổng diện tích 1.838,75 ha.

Một số KCN đang hoạt động như: Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng cơ bản hoàn thiện, hoạt động thu hút đầu tư ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao.

Tính đến hết tháng 9/2020, có 316 dự án trong các KCN đang hoạt động SXKD. Trong đó, có 272 dự án FDI, thu hút và tạo việc làm cho hơn 89 nghìn lao động; 44 dự án DDI, tạo việc làm cho hơn 3.800 lao động.

Thực hiện chức năng quản lý lao động trong các KCN, BQL Các KCN tỉnh luôn tích cực phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động nhằm giảm thiểu các tình trạng đình công, lãn công không đúng quy định; rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật về lao động nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.

Với vai trò là cầu nối của doanh nghiệp với các địa phương, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh còn chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến về cung cầu lao động và tình hình tuyển dụng để giúp các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành và thực hiện nhiều chính sách về hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ. Sàn giao dịch việc làm của tỉnh đã góp phần cung cấp nhiều thông tin cần thiết về thị trường lao động và mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội việc làm.

Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng gần 100 nghìn lao động; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 24.000 lượt người.

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Hoan Nguyễn