Báo cáo của Cục QLTT Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 40 vi phạm liên quan đến hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ và phạt tiền gần 400 triệu đồng.

Nhằm tăng cường kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021, Cục QLTT tỉnh thành lập 2 tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 2 tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả.Đội Quản lý thị trường số 2 tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả 

Theo đó, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa đối với các ngành hàng: tiêu dùng, gia dụng, thiết bị điện tử, thực phẩm, mỹ phẩm; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng; các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phế liệu; các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh hàng hóa thông qua hoạt động thương mại; các phương tiện vận tải có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu, các sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, đoàn tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ; công bố hợp chuẩn, hợp quy; việc chấp hành ghi nhãn mác hàng hóa, hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Hiện nay, không chỉ các sản phẩm thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng… mà nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng đang bị các đối tượng làm giả hết sức tinh vi và tuồn ra thị trường để tiêu thụ.

Thời gian qua, lực chức năng tỉnh đã phát hiện khẩu trang y tế, thuốc thú y giả… xuất hiện ở nhiều địa phương, từ vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị. Do các sản phẩm giả mạo hết sức tinh vi nên người dân khó phân biệt được hàng thật, giả. Ngay cả đối với lực lực lượng chức năng, trong trường hợp nghi ngờ sản phẩm có dấu hiệu giả mạo đều phải phối hợp với nhà sản xuất để xác minh, làm căn cứ xử lý theo quy định.

Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hằng năm, Cục QLTT Vĩnh Phúc đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại đây, những nhà sản xuất lớn, có sản phẩm hay bị làm giả thuộc các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… sẽ giới thiệu cách thức nhận biết hàng thật, hàng giả đối với từng mặt hàng nhằm nâng cao kỹ năng nhận diện hàng hóa chất lượng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Cùng với xử lý nghiêm các vi phạm, Cục QLTT tỉnh còn chú trọng tuyên truyền, vận động hàng trăm cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đề xuất Ban Chỉ đạo 389 các địa phương phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát công tác đấu tranh này tại các địa bàn nổi cộm.

Hoan Nguyễn