Sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nghệ và trà xanh Tam ĐảoSản phẩm tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nghệ và trà xanh Tam ĐảoNăm 2016, chị Trần Thị Ngọc Hân ở Hợp Châu, Tam Đảo quyết định thành lập Công ty cổ phần Nghệ và Trà xanh Tam Đảo chuyên sản xuất các sản phẩm viên tinh bột nghệ mật ong, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen… mang lại nhiều tác dụng như: Làm đẹp da, tăng cường sức đề kháng, bổ máu, bảo vệ tế bào gan và có khả năng tác động lên tế bào ung thư, phòng và hỗ trợ đặc biệt trong việc điều trị ung thư. Với quy trình khép kín từ trồng nguyên liệu đến đầu tư nhiều máy móc hiện đại để phục vụ cho sản xuất như: Máy rửa, máy nghiền liên hoàn, máy nghiền bột mịn; sản phẩm làm ra đều được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có tem, nhãn, có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc đã giúp Công ty nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Năm 2019, Công ty được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương lựa chọn hỗ trợ xây dựng dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng và hoàn tất các thủ tục theo tiêu chí đánh giá, xếp hạng theo Quyết định số 1048 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành 1 trong 18 sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện trung bình mỗi năm, Công ty chế biến hàng chục tấn củ nghệ tươi và xuất ra ra thị trường từ 2 - 3 tấn tinh bột nghệ, thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương.

Tương tự, theo Quyết định số 614 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 của UBND tỉnh Vĩnh phúc, trong số 18 sản phẩm được công nhận đạt 3 - 4 sao, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo tại xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt chất lượng 3 sao là: Sữa chua, sữa chua nếp và bánh sữa đặc biệt Tam Đảo. Phát huy lợi thế đó, cùng với tiếp tục đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã đã không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Bên cạnh việc tổ chức các điểm bán hàng nhằm hướng tới những khách hàng lần đầu tiên biết đến sản phẩm, Hợp tác xã đang phát triển kênh bán hàng online. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã đang tiêu thụ khoảng 300 thùng sữa các loại với thị trường được mở rộng không chỉ được phân phối trong tỉnh mà còn sang các tỉnh, thành khác như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng…

Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình OCOP tại Vĩnh Phúc đã cho thấy vẫn còn nhiều nông sản, sản phẩm đặc trưng dù đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: Na dai Bồ Lý, gạo Long Trì, trà hoa vàng, ba kích Tam Đảo, ổi Đôn Nhân… nhưng vẫn chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP hoặc chưa đăng ký tham gia chương trình. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Kèm theo đó, các loại nông sản chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, mẫu mã chưa phong phú; các hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ. Ngoài ra, phần lớn các chủ thể kinh tế trên địa bàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trực tiếp sản xuất và thị trường sẵn có nên rất hạn chế trong việc tiêu chuẩn hóa nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Để giải bài toán này, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang sát cánh cùng các ngành liên quan, các cấp chính quyền trong tỉnh xây dựng lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn. Theo đó, cùng với xây dựng và đề nghị tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới là: Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân là chủ thể sáng tạo để có những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài.

Phượng Sơn