Quang cảnh hội nghị
Năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 161 trường tiểu học với hơn 121.600 học sinh. Trong năm học, các trường tiểu học tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
100% trường tiểu học triển khai giảng dạy tiếng Anh theo Đề án dạy học Ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT và của tỉnh Vĩnh Phúc; 83% trường tiểu học tổ chức dạy Tin học; tích cực thực hiện công tác giáo dục hòa nhập đối với trẻ khuyết tật và tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm cho học sinh…
Đặc biệt, trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày trong học kì II để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các nhà trường vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ôn luyện kiến thức cho học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý…
Nhờ đó, chất lượng giáo dục cấp tiểu học năm học 2019-2020 tiếp tục được nâng lên: Tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3,3%, thể thấp còi còn 2,2%, thừa cân, béo phì 3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt về kiến thức, kỹ năng đạt mức cao, trong đó, môn Toán đạt 98,9%, môn Tiếng Việt đạt 98,4%; 95% học sinh được đánh giá tốt và đạt ở các nhóm năng lực; 98% học sinh được đánh giá tốt và đạt ở các nhóm phẩm chất; gần 98% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 98.5% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.
Các hoạt động thể thao, giáo dục ATGT, kĩ năng sống cho học sinh được quan tâm chú trọng, với 100% học sinh các lớp khối 3,4,5 được tham gia chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”...
Năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học tập trung đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học theo sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 – 2021, đồng thời, chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022 và các khối lớp còn lại ở các năm học tiếp theo.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm triển khai dạy học ngoại ngữ, tin học và tiếng dân tộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học… để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục cấp tiểu học.
Lê Sơn