ảnh minh họaảnh minh họaTừ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng công an trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và xử lý 245 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm hành chính 268 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 700 triệu đồng.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, số vụ việc vi phạm tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019 (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các giao dịch thương mại giảm mạnh), song tiềm ẩn phức tạp, các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Nhất là các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Việt Nam”; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử hay các hành vi gian lận trong kinh doanh thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19…

Đáng chú ý, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh uy tín.

Điển hình, qua công tác nắm tình hình, đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh phát hiện tại Khu danh thắng Tây Thiên (thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo), xe ô tô biển kiểm soát: 88C-084.68 do Đào Văn Chung, sinh năm 1975 (ở xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường) điều khiển và một số đối tượng khác vận chuyển 6.800 thẻ hương mang nhãn hiệu Giang Ngọc của cơ sở sản xuất hương Giang Ngọc (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) không có hóa đơn, chứng từ.

Các đối tượng khai nhận toàn bộ số hương trên đều giả nhãn hiệu Giang Ngọc và được thu mua của Chu Văn Công, sinh năm 1993 (ở xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường) để bán kiếm lời.

Tiến hành khám xét nơi ở cũng là địa điểm sản xuất của Công, lực lượng công an phát hiện, thu giữ nhiều máy móc, thiết bị sản xuất hương, vỏ bao bì giả các thương hiệu.

Lực lượng công an củng cố hồ sơ, kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế biến, đóng gói hàng hóa, bán hàng hóa giả nhãn hiệu đối với các đối tượng; tiêu hủy toàn bộ số hương giả nhãn hiệu và tịch thu máy móc, công cụ, nguyên liệu để sản xuất hương giả.

Nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hiện nay còn diễn ra ở kênh bán hàng trực tuyến. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.

Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử đang có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như: Đối tượng không sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa mà thuê xe taxi hoặc sử dụng xe gia đình để vận chuyển, số lượng được chia nhỏ, hàng hóa được cất giấu tại nơi ở; kê khai với đơn vị chuyển phát hàng hóa tên mặt hàng không trung thực…

Thượng tá Nguyễn Đỗ Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh cho biết: Những tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao; nhất là các mặt hàng liên quan đến vật tư y tế, hàng cấm (pháo), lương thực, thực phẩm thiết yếu, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Các đối tượng tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi.

Để chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng công an phối hợp với lực lượng quản lý thị trường làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các địa bàn trọng điểm để tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu các hộ kinh doanh không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; theo dõi, xác lập đối tượng, chuyên án cụ thể để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại để phổ biến cho nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không bị mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng.

Lực lượng chức năng tiếp tục đề xuất xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm; góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững…

PV