Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia được ban hành tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/05/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh gồm 98 chỉ số thành phần với thang điểm đánh giá tối đa là 1.000 điểm, được cấu trúc theo 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bao gồm thông tin chung, chỉ số đánh giá gồm 9 chỉ số chính (6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng hoạt động).
Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 56 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và đô thị thông minh. Nhóm chỉ số hoạt động gồm 42 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Báo cáo đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021 được tổng hợp từ 2 nguồn dữ liệu thu thập gồm số liệu báo cáo chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2021 (tính từ ngày 01/01-31/12/2021) và số liệu từ nguồn dữ liệu quản lý các cơ quan Trung ương chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc đánh giá chỉ số chuyển đổi số được thực hiện triển khai thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://dti.gov.vn.
Kết quả tổng thể xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 43 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 55/63), trong đó có các chỉ số xếp thứ hạng cao như: Thể chế số xếp 1/63, Nhân lực số 3/63, An toàn thông tin mạng 4/63 tỉnh thành. Kết quả đánh giá và xếp hạng của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số do đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp truyền đạt dưới hình thức trực tiếp tại UBND tỉnh và trực tuyến đến lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã với tổng số đại biểu tham dự hội nghị là 1.464 người.
Xác định thể chế có vai trò đặc biệt dẫn dắt nhiệm vụ chuyển đổi số đi đúng hướng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chuyển đổi số: Kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh; Chỉ thị của Ban Thường vụ Yỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của UBND tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số…
Để giữ vững và nâng cao thứ hạng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, ban hành Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công thiết thực mức độ 3, 4, giai đoạn 2021-2025, mục đích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ban hành, cập nhật bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho các cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phát triển hạ tầng số phục vụ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu làm về công nghệ thông tin, hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tham mưu xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó góp phần giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đức Nam