Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) phát triển; từng bước đổi mới cơ chế quản lý KHCN theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề tài phục vụ sản xuất và đời sống.  

Vĩnh Phúc: Góp ý vào Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ - Hình 1

Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Trung bình hàng năm, triển khai 80 - 100 đề tài cấp tỉnh nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Các đề tài nghiên cứu đều bám sát định hướng phát triển của ngành KHCN, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quỹ phát triển KHCN tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 được bố trí kinh phí 150 tỷ đồng, đến nay, đã được cấp 70 tỷ đồng. Năm 2016, Quỹ giải ngân cho 8 dự án vay vốn với số tiền trên 20 tỷ đồng, 12 dự án được thẩm định chờ phê duyệt với số vốn 25 tỷ đồng…

Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 hiện đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh…

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 6 chương, 59 điều đã bổ sung thêm các biện pháp khuyến khích thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ cũng như áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ tại Việt Nam… Điều này tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao trong nước và ngoài nước vào Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý, đề nghị xem xét một số nội dung trong Dự thảo Luật gồm: Cùng với việc quy định thẩm quyền, trình tự, nội dung thẩm định cần nghiên cứu để phù hợp với Luật Đầu tư và bổ sung quy định về kinh phí để đảm bảo điều kiện thực thi; đề nghị kéo dài thời gian thẩm định đối với các dự án có mức độ phức tạp; bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ phải báo cáo tình hình thực hiện với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra; cần nghiên cứu các giải pháp khuyến khích phát triển các doanh nghiệp KHCN…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, tạo điều kiện cho KHCN phát triển, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trên mọi lĩnh vực… Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về KHCN, ứng dụng, chuyển giao KHCN còn một số hạn chế như: Quản lý ứng dụng công nghệ, thẩm định công nghệ, giám sát chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nước ngoài còn khó khăn; đào tạo nhân lực để cập nhật với công nghệ hiện đại còn nhiều hạn chế; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa cao…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Quốc hội, các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cần thực hiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; có chính sách bảo hộ chuyển giao công nghệ; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập; quan tâm đến hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm; tạo dựng hệ thống hỗ trợ việc chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp…

Tại buổi làm việc Đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với hoạt động KHCN và những kết quả Vĩnh Phúc đã đạt được trong chuyển giao công nghệ thời gian qua. Những góp ý, kiến nghị của tỉnh tại buổi làm việc sẽ được Đoàn nghiên cứu, tổng hợp trình Quốc hội xem xét.

Nguyễn Quyên