Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi về xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường) đúng lúc các hộ trồng bưởi ở đây đang tất bật vào vụ thu hoạch; trên mỗi gương mặt, ánh mắt của họ lấp lánh niềm vui, nụ cười thân thiện đón khách.

Ông Nguyễn Phùng Khả (thôn Hậu Lộc) phấn khởi cho biết: Năm nay, bưởi tiếp tục đạt năng suất cao, dự kiến cho gia đình nguồn thu khá.

Được biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, năm 2010, gia đình ông Khả đã cải tạo, chuyển đổi toàn bộ 7 sào đất vườn vốn đây trước trồng ngô, chuối hiệu quả không cao sang trồng 90 gốc bưởi Diễn.

Sản phẩm rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường) được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ảnh Thế Hùng
Sản phẩm rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường) được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ảnh Thế Hùng.

Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm sóc, vườn bưởi của gia đình ông sinh trưởng, phát triển rất tốt. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh từ 7.000 - 8.000 quả bưởi, thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Những năm gần đây, bưởi đã trở thành một trong những loại cây trồng có thế mạnh trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, đặc biệt tại các xã vùng bãi như: Phú Đa, Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khá, với quy trình chăm sóc từng bước theo quy trình VietGAP, việc trồng bưởi còn tạo ra các loại nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các loại thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Để cây bưởi phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, huyện đã từng bước xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này và cuối tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị Đất Phủ” góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm.

Không chỉ hình thành vùng trồng bưởi, sau 5 năm thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã hình thành được các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung như: Vùng rau an toàn ở các xã Tân Tiến, Đại Đồng, thị trấn Thổ Tang với quy mô gần 200 ha; vùng bí đỏ ở các xã Yên Lập, Vũ Di hơn 100 ha; vùng cà chua ghép ở các xã Tân Tiến, Đại Đồng gần 40 ha; vùng chăn nuôi bò sữa ở các xã: Phú Đa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh...

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Chương trình OCOP là cơ hội để huyện khai thác lợi thế từ các làng nghề truyền thống, tiềm năng của mỗi địa phương để phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn gắn với việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Để việc triển khai đạt hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế gắn với chương trình xây dựng NTM để tham gia chương trình.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn giúp cán bộ, các HTX, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất là chủ thể của sản phẩm được thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, các nguyên tắc, nội dung chương trình OCOP; chủ trương của nhà nước cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Từ đó, tổ chức triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án, kế hoạch SXKD, quản lý chất lượng nhằm hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ sản phẩm của đơn vị mình để tham gia đánh giá, chấm điểm và xếp loại trong chương trình OCOP.

Mặc dù vậy, Vĩnh Tường là huyện có số đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh, mật độ dân số đông, việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm đòi hỏi cả một quá trình lâu dài. Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình nên chưa chủ động tham gia.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Vĩnh Tường sẽ tổ chức rà soát tổng thể, hướng dẫn các xã đăng ký những sản phẩm chủ lực của địa phương, phấn đấu mỗi xã có một sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, xếp loại trong chương trình OCOP.

Trước mắt, trong năm 2021 sẽ tập trung hướng dẫn các xã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận một số sản phẩm của huyện có tiếng trên thị trường như: Các sản phẩm chế biến từ rắn ở xã Vĩnh Sơn; sản phẩm mộc mỹ nghệ và rèn ở xã Lý Nhân; bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi; hạt sen và các sản phẩm chế biến từ sen;...

Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng máy móc, nâng cao năng lực quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình; tích cực hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký; thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm…

Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện duy trì và thực hiện có hiệu các tiêu chí: Thu nhập, Lao động có việc làm, Tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Lưu Nhung