Vĩnh Phúc: Quyết liệt phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi - Hình 1

Ảnh minh họa

Ngay sau khi có chỉ thị từ UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ đến các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhập lậu kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín, không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y vào địa bàn để tiêu thụ.

Tổ chức thông tin tuyên truyền cụ thể, chính xác về tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tác hại của DTLCP để mọi người dân tích cực tham gia, tránh gây hoang mang cho xã hội.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 630.000 con lợn và chưa phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh truyền nhiễm khác... Trước đó, trong tháng 12/2018, ngành Nông nghiệp đã tổ chức đợt phun khử trùng tiêu độc cho 129.300 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và sẽ tổ chức phun khử trùng tiêu độc đợt 2 vào đầu tháng 3 năm nay để phòng bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ông Bùi Như Ý PGĐ Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, QLTT và các địa phương kiểm tra giám sát chặt chẽ các điểm buôn bán giết mổ, trung chuyển lợn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc. nhập lậu và địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan Thú y. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật.

Biện pháp thiết thực nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đó là: con giống khi mua về phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch của cơ quan thú y; Tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy trình chăn nuôi.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không: Không mua bán lợn bị bệnh; Không ăn tiết canh, thịt lợn bị bệnh; Không dấu dịch; Không vứt xác lợn ra môi trường xung quanh; Không vận chuyển, giết mổ lợn bị bệnh. Khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh, cần khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Chăn nuôi và Thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lê Sơn